Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường như thế nào mới đúng?

Chẩn đoán xác định đái tháo đường có thể dựa vào đường huyết lúc đói, hoặc đường huyết 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose, hoặc HbA1C.

Hỏi: Người nhà tôi đi xét nghiệm glucose máu lúc đói được chẩn đoán đái tháo đường. Nhưng về nhà nghe mọi người nói phải làm xét nghiệm HbA1C mới chính xác. Xin hỏi, phải xét nghiệm chẩn đoán như thế nào mới là chính xác?

Lê Phương Thảo (Hà Nội)

dai-thao-duong-test.jpg
Xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường như thế nào mới đúng?

TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai: Theo Hướng dẫn mới về cách thức khẳng định chẩn đoán đái tháo đường của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2022 như sau:

Chẩn đoán xác định đái tháo đường có thể dựa vào đường huyết lúc đói, hoặc đường huyết 2h sau làm nghiệm pháp dung nạp với 75g glucose, hoặc HbA1C. Cả 3 xét nghiệm này có giá trị như nhau trong sàng lọc đái tháo đường.

Chẩn đoán ngay nếu bệnh nhân có triệu chứng điển hình của tăng đường huyết và xét nghiệm đường huyết bất kỳ ≥ 11,1mmol/l (200mg/dl). Nếu không thì cần 2/3 kết quả sàng lọc trên cao hơn ngưỡng, có thể trong cùng 1 mẫu máu hoặc từ 2 mẫu máu riêng biệt.

Nếu cho làm mẫu thứ 2 (làm cùng hoặc khác với xét nghiệm ban đầu) mà kết quả cũng cao thì cho phép chẩn đoán xác định ngay. Ví dụ, nếu HbA1C là 7,0% và xét nghiệm lại là 6,8% thì chẩn đoán đái tháo đường.

Nếu 2 kết quả khác nhau (ví dụ, HbA1C và đường huyết đói), ở cùng 1 mẫu hoặc từ 2 mẫu máu khác nhau đều trên ngưỡng thì cũng chẩn đoán đái tháo đường.

Trường hợp 2 kết quả xét nghiệm mâu thuẫn nhau thì xét nghiệm nào cho kết quả cao hơn ngưỡng chẩn đoán nên được làm lại, với lưu ý đặc biệt đến khả năng xét nghiệm HbA1C bị tương tác bởi các yếu tố khác. Chẩn đoán có bị đái tháo đường hay không sẽ dựa vào kết quả của xét nghiệm được làm lại này. Ví dụ, nếu HbA1C ≥ 6,5% mà đường huyết đói < 7,0mmol/l, nhưng làm lại HbA1C vẫn ≥ 6,5% thì bệnh nhân được chẩn đoán ngay là đái tháo đường.

Lưu ý là các xét nghiệm sàng lọc có thể có những dao động nên khi làm lại có thể lại cho kết quả thấp dưới ngưỡng chẩn đoán, hay gặp khi làm xét nghiệm đường huyết đói hoặc đường huyết sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp glucose mà mẫu máu bị để lâu mới được cho vào máy.

Trường hợp kết quả xét nghiệm xấp xỉ ở ngưỡng chẩn đoán thì bác sĩ nên tìm hiểu kỹ các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh và cho xét nghiệm lại sau 3 - 6 tháng.

Theo Đời sống
back to top