“Xếp hàng” tiêm văcxin Covid-19, cần có phần mềm

(khoahocdoisong.vn) - Theo CEO Lê Yên Thanh, tác giả phần mềm Busmaps và CovidMaps đang triển khai ở nhiều tỉnh/thành, để tránh tình trạng tụ tập đông người, xếp hàng chờ đợi quá lâu… cần thiết phải có phần mềm xếp hàng.

Nguy cơ lây nhiễm chéo từ tụ tập đông người

Thực hiện chiến lược phòng chống Covid-19, rất nhiều địa phương tổ chức gấp rút tiêm văcxin Covid-19 cho người dân. Ban đầu là các đối tượng ưu tiên, người ở vùng dịch, sau đó sẽ tính đến tiêm đại trà. Thời gian gần đây, hình ảnh người dân tụ tập đông nghịt để xếp hàng chờ tiêm văcxin hay lấy mẫu xét nghiệm dấy lên lo ngại về nguy cơ có thể lây nhiễm chéo. 

Ở nhiều nước, việc tiêm văcxin rộng rãi được thực hiện bài bản nhờ ứng dụng công nghệ số. Theo đó, giống như lịch khám ở bệnh viện, mỗi người sẽ được đăng ký một mã số dựa trên mã căn cước công dân. Sau đó sẽ được bố trí một lịch hẹn về thời gian, địa điểm tiêm chủng. Chỉ cần thực hiện đúng lịch này thì chỉ trong khoảng một thời gian ngắn là thực hiện xong việc tiêm văcxin, không phải xếp hàng chờ đợi, cũng không phải tụ tập đông người. Ở Việt Nam hiện chưa có phần mềm nào ứng dụng vào việc “xếp hàng” này dẫn đến việc tụ tập đông người vào những đợt cao điểm tiêm văcxin dễ xảy ra.

CEO Lê Yên Thanh, tác giả của ứng dụng Busmaps xây dựng thành phố thông minh và ứng dụng CovidMaps là bản đồ dịch tễ các vùng dịch cho biết, qua những hình ảnh người dân tụ tập đông đúc để chờ lấy mẫu xét nghiệm hay tiêm văcxin có thể nhận thấy nhu cầu rất cần thiết phải có ứng dụng hẹn giờ cho người tiêm. Việc đăng ký tiêm chủng qua giấy tờ thủ công, mất rất nhiều thời gian và nguồn lực thực hiện, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong khi về mặt công nghệ, có thể giải được bài toán này khá đơn giản.

Hàng ngàn người xếp hàng dài trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TPHCM để chờ tiêm văcxin Covid-19.

Hàng ngàn người xếp hàng dài trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TPHCM để chờ tiêm văcxin Covid-19.

Để tiết kiệm tài nguyên, nhân lực và tận dụng được hạ tầng sẵn có, phần mềm này hoàn toàn có thể viết trên các ứng dụng mà người dân đang sử dụng hiện nay là Bluezone hay CovidMaps. Về bản chất, đây là một tính năng có thể phát triển thêm của các ứng dụng nêu trên. Việc phát triển các tính năng này không có gì phức tạp, thậm chí khá đơn giản với những người viết phần mềm.

Cần sự hỗ trợ của các điểm tiêm chủng

CEO Lê Yên Thanh cho biết, giả sử trên ứng dụng CovidMaps tích hợp thêm ứng dụng này, người thuộc diện tiêm văcxin chỉ cần vào phần mềm đăng ký, khai báo tên tuổi, số điện thoại, lịch sử dịch tễ cũng như các thông tin liên quan khác. Đơn vị tổ chức tiêm chủng từ đó sẽ xếp lịch dựa trên số lượng người đăng ký, bố trí thời gian cụ thể cho từng người rồi phản hồi lại cho người đăng ký cũng qua phần mềm. Người dùng chỉ cần vào tính năng tiêm chủng để nhận phản hồi về thời gian, địa điểm, số thứ tự tiêm. Toàn bộ quy trình tiêm sẽ được rút ngắn khâu khai báo y tế, xếp hàng chờ đợi… Ngoài ra, việc xét nghiệm Covid-19 cũng có thể được áp dụng theo phương pháp này.

CEO Lê Yên Thanh.

CEO Lê Yên Thanh.

Để triển khai suôn sẻ thì các đơn vị công nghệ thông tin có thể hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng, nhận danh sách đăng ký từ người dân và phản hồi về lịch tiêm, trợ giúp nhân viên y tế. Mỗi địa phương có thể có các quy định khác nhau, lịch tiêm khác nhau dựa trên nguồn lực của mình. Trên ứng dụng CovidMaps hiện nay hay ứng dụng Bluezone, người dân cũng hoàn toàn có thể tương tác với cơ quan chức năng, y tế về các vấn đề gặp phải trong chống dịch Covid-19.

“Việc đầu tư hoàn toàn một phần mềm mới để người dân đăng ký tiêm chủng không khó khăn, song việc tích hợp vào các phần mềm sẵn có sẽ giúp người dân tiện dụng hơn, dễ sử dụng hơn do đã quen với phần mềm đang sử dụng. Với chiến lược tiêm văcxin rộng rãi, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần thiết phải triển khai ứng dụng này để chống dịch căn bản, tránh tình trạng điểm tiêm chủng lại chính là ổ dịch lây nhiễm chéo”, CEO Lê Yên Thanh cho hay.

Nếu tận dụng trên các nền tảng phần mềm sẵn có, chi phí để đầu tư ứng dụng sẽ rất thấp. Quan trọng là các điểm tiêm chủng bố trí, sắp xếp các số thứ tự sao cho khoa học, phù hợp với thời gian tiêm trên thực tế.

Lê Yên Thanh là nhà sáng lập, đồng sáng lập của Talo - mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain trong thi cử, tuyển dụng; JobHop - ứng dụng tìm kiếm việc làm; Umbala - ứng dụng tạo video clip… Trước đó, với những thành tích xuất sắc trong học tập, Lê Yên Thanh được mọi người yêu mến gọi là “thần đồng lập trình”, “chàng trai vàng trong làng tin học”. Hiện tại, tên tuổi của anh gắn liền với BusMap - ứng dụng cung cấp các giải pháp cho hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top