Xây mộ, đừng nghĩ “càng to càng tốt”

Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, tâm lý chung của nhiều người dân Việt Nam là xây cất phần mộ càng to càng tốt, càng to thì càng nhiều lộc, càng được “phù hộ” để thăng quan tiến chức. Đây là quan niệm rất sai lầm ở góc độ tâm linh.

Phản cảm về tâm linh

Ông nghĩ sao về tâm lý của một số người cho rằng, phần mộ ông bà tổ tiên xây càng to càng tốt?

Tôi rất phản đối điều đó, ai cũng thích hoành tráng nhưng về tâm linh, điều đó là không tốt. Ai cũng đua nhau hoành tráng như thế thì còn đâu đất mà sử dụng, canh tác. Nếu ông bà ta ngày trước cũng đua nhau như thế thì chắc có lẽ chúng ta bây giờ không còn đất để mà sống nữa.

Nhà cửa xây dựng lên, khi chết đi thì còn để cho con cho cháu đời đời, chứ mồ mả thì không. Đã xây lên thì không thể làm cách nào khác được nữa, chẳng lẽ lại dùng để làm của thừa kế?

Hình như kinh tế càng phát triển người ta càng xây to?

Cứ về các vùng nông thôn thì thấy, người ta đua nhau xây mộ to ầm ầm ra, chiếm hết cả đất nông nghiệp. Trong mấy chục năm vừa qua, số nghĩa trang mọc lên chiếm đất sản xuất rất nhiều. Nhà nào cũng xây cho hoành tráng, đua nhau, nhà sau to hơn nhà trước.

Đó là sự bất hợp lý, tốn diện tích, tồn tiền của, và phản cảm về tâm linh.

Vì sao thế ạ?

Càng để cho “người âm” trụ vào phần mộ thì càng không “siêu thoát”. Mộ càng đẹp thì “người âm” càng không muốn “siêu thoát”. Rồi xây mộ to đẹp, có người đi qua nhìn vào chửi rằng sống thì không cho ăn, chết rồi lại bày đặt xây cất to đẹp.

Rồi chắc là tham nhũng mới có nhiều tiền để xây to đẹp như thế để khoe với thiên hạ. Người ta tôn trọng những người sống giản dị, công đức để lại lớn và khi chết ngôi mộ cũng vô cùng giản dị, đơn sơ. Nếu “người âm” nghe những câu chửi đó thì cũng sân hận lắm.

Rõ ràng là không nên xây mộ to?

Đúng thế, về tâm linh và cả về thực tế là không nên. Một người chết đi có được kính trọng hay không, không phải vì được xây mộ to hay không mà bởi họ có để lại được “tiếng thơm” cho đời hay không.

Còn phần mộ thì nên xây giản dị, nhỏ đẹp, phong quang sạch sẽ là được vì tâm linh đó hoàn toàn không liên quan đến những vật chất ở trần gian.

Nên cấm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/5/2016. Theo đó, sẽ không được phép xây cất phần mộ hoành tráng, diện tích của mỗi phần mộ được quy định rõ như diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung tác và chôn cất một lần không quá tối đa 5m2, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3m2. Trong khi việc xây mộ là hoàn toàn việc của cá nhân, tiền của cá nhân, thì liệu có cấm được không thưa ông?

Tôi nghĩ đây là việc là cần thiết, rất nên làm. Càng làm giản dị càng tốt. Cá nhân bỏ tiền ra xây mộ chứ không phải Nhà nước, nhưng cần có chính sách để cấm việc xây mộ hoành tráng.

Tiền đầu tư chỉ là một yếu tố nhỏ thôi, còn đất canh tác, ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đất càng thu hẹp sau này. Hơn nữa về tâm linh thì lại có hại. Cấm không được thì phải dùng luật nghiêm ngặt là sẽ làm được. Cấm được và nên cấm.

Theo ông số người thích xây phần mộ thật to có nhiều không?

Nhiều chứ, đa phần là thế. Nếu như có ăn nên làm ra là làm để được khoe, được trưng diện hơn là hiếu thảo. Vì hiếu thảo là phải thể hiện sự quan tâm thương yêu từ lúc người còn sống chứ không phải là khi mất đi rồi mới xây phần mộ thật to.

Rõ ràng việc tự nhận thức rất quan trọng, song song với quy định?

Đúng là thế, giáo dục là một phần thôi nhưng cũng phải có những chế tài để xử lý. Ví dụ như những người có chức có quyền, có tiền, cấm người ta cũng vẫn làm thì xử lý ra sao?

Thế thì cần phải có chế tài cụ thể. Vì đất không “đẻ” ra được. Xây mộ án ngữ, ai cũng làm to như vậy thì lấy đâu ra đất nữa. Nhà cửa còn quy hoạch xây dựng lại được chứ ai dám động đến mồ mả? Thế nên cần phải có quy định chặt chẽ.

Quan trọng là nhận thức của người dân đang sai lầm?

Đúng thế, đừng nghĩ phần mộ càng to thì càng có phúc, có lộc, càng linh thiêng mà chỉ thể hiện sự hợm hĩnh mà thôi. Xin đừng suy nghĩ sai lầm như thế.

Đua nhau xây to chỉ tạo nên sự đố kị, ganh ghét mà thôi. Trong xây dựng hiện nay có các quy định về thiết kế, chiều cao, vật liệu… cho nhà ở và các công trình kiến trúc, thì cũng nên có các quy định cụ thể cho phần mộ của “người âm” để quản lý cho tốt.

Đừng để đời mai mỉa

Nếu ở góc độ tâm linh, niềm tin, những linh hồn đã chết là có thật, thì việc thờ cúng, xây phần mộ như ông nói, giản dị là tốt nhất. Liệu có sự liên quan nào giữa tâm linh của người đã chết và người sống?

Sự liên quan này chính là long mạch, là công đức để lại cho đời. Vua chúa ngày xưa xây mộ to, thậm chí rất hoành tráng, nhưng đâu phải là con cháu sau này được hưởng phúc? Suy nghĩ của người ta về vấn đề ấy là không đúng.

Nhưng làm gì có ai chứng minh được những cái đó là đúng?

Khi chúng tôi đi giao lưu ngoại cảm thì được biết, có những trường hợp khi được giao lưu thì “mắng” con cháu vì đã xây mộ đẹp vì lãng phí mà người đời lại nói không tốt về phần mộ đó. Trong khi có biết bao nhiêu người nghèo còn đói khát, sao không lấy tiền đó làm việc có đức để cứu vớt nhân thế.

Những ông đồ nho nhã, có liêm khiết, đức cao vọng trọng, đều không thích sự phô trương, hoa hòe hoa sói như thế. Nhà thơ Nguyễn Khuyến trước khi mất cũng dặn lại con cháu viết lên vài dòng đơn sơ trên bia mộ, chứ không làm cái gì hoành tráng cả. Kể cả đám tang đám ma cũng không nên tổ chức quá linh đình.

Theo ông vì sao người ta lại thích hoành tráng?

Thường là con cháu sau khi ăn nên làm ra, quay trở lại quê để xây mồ mả, nhưng cũng để khoe mẽ là chính. Còn thực chất mà nói, nếu có ý thức như thế thì nên làm điều thiện để hồi hướng phần âm.

Ví dụ làm một điều thiện và cúng dâng ông bà tổ tiên điều thiện ấy, gọi là hồi hướng công đức, là cách tốt nhất để báo hiếu. Còn xây mộ hoành tráng, tốn nhiều tiền của, đất đai, chỉ làm cho đời mai mỉa mà thôi.

Tốt nhất là làm mộ giản dị, cao cấp hơn là nên hỏa thiêu để tránh lãng phí đất. Nên dùng tiền làm việc thiện và hồi hướng công đức cho người âm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 27/5, tất cả nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được quy hoạch. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng tuân thủ pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường. Khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ cho nhiều địa phương, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường và cảnh quan xung quanh. Việc quản lý đất nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải tuân thủ theo pháp luật về đất đai, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top