Xác định thể chất để điều chỉnh ăn uống

(khoahocdoisong.vn) - Đông y quan niệm “Dược bổ không bằng thực bổ” – ăn uống hơn dùng thuốc. Nhưng để có thể lựa chọn cách ăn uống cho cơ thể khỏe mạnh và dự phòng tích cực bệnh tật... cần phải xác định thể chất để điều chỉnh.

22 chỉ tiêu cơ bản

Theo quan điểm Đông y, việc phân định thể chất của con người là hàn tính hay nhiệt tính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở hiểu rõ thể chất của mình người ta mới có thể lựa chọn môi trường sống, thay đổi điều kiện sinh hoạt và ăn uống, thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực bệnh tật... một cách hợp lý và có hiệu quả. Ví như, người có thể chất thiên hàn thì trong khẩu phần ăn nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có tính ấm nóng, dùng ít hoặc kiêng kị các thứ có tính lạnh; người có thể chất rất nhiệt thì không nên lạm dụng nhung hươu, cao hổ…

Trên thực tế, thể chất hàn nhiệt của mỗi người thường không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, điều kiện sinh hoạt, làm việc, ăn uống... được biểu hiện thông qua các chỉ tiêu về sinh lý, bệnh lý và tâm lý. Nhưng, tựu trung lại cũng không nằm ngoài 7 loại hình chính là: thể hàn, thể rất hàn, thể nhiệt, thể rất nhiệt, thể bình hoà, thể thiên hàn và thể thiên nhiệt. 

Xác định thể chất để lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Xác định thể chất để lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Nhưng hiện nay, các nhà y học cổ truyền hiện đại đã xây dựng các chỉ tiêu cơ bản để phân định không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của y học cổ truyền mà còn tham chiếu thêm một số chỉ tiêu về sinh lý, sinh hóa, tâm lý của y học hiện đại. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu cơ bản là thể hình, tính cách, cảm giác hàn nhiệt, cảm giác khát, tình trạng ăn uống, sắc mặt, mạch, lưỡi, đại tiện, tiểu tiện, trạng thái tinh thần, thể lực, mồ hôi, tiếng nói, khả năng tình dục, huyết áp, số lượng bạch cầu, số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu, huyết sắc tố, mỡ máu và đường máu...

Khi muốn dùng thuốc trị bệnh hoặc bồi bồ bằng ăn uống đều phải nhận rõ sự khác biệt giữa hư, thực, hàn, nhiệt và âm, dương, khí, huyết của từng cá thể để rồi trên cơ sở đó lựa chọn thực phẩm hoặc thuốc có tính ôn (ấm), nhiệt (nóng), hàn (lạnh), lương (mát) và có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương cho phù hợp. Nếu không chú ý biện chứng chính xác thì chẳng những hiệu quả bồi bổ không đạt mà thậm chí còn có thể gây nên các tai biến không đáng có.

Hư thì bổ, thực thì tả

Thức ăn nói chung dù là thuốc hay không dùng làm thuốc đều có tính vị hàn, ôn nhiệt, cay đắng, mặn ngọt... khác nhau. Khi sử dụng chúng ta phải nắm được đầy đủ tính vị của chúng để từ đó vận dụng sự thiên thắng, thiên suy của đồ ăn thức uống là điều chỉnh sự thiên thắng, thiên suy của tình trạng bệnh tật trong cơ thể con người, tuân thủ triệt để theo nguyên tắc “hư thì bổ, thực thì tả” của y học cổ truyền.

Ví dụ, người dương hư với biểu hiện toàn thân sợ lạnh, sắc mặt trắng bệch, khó thở, mệt mỏi, đại tiện loảng loãng, tiểu tiện trong dài, liệt dương, di tinh... phải trọng dụng các vị thuốc và thực phẩm có tác dụng bổ dương, ôn dương, trợ dương... đồng thời, phải kiêng kỵ các thức ăn có tính âm hàn như dưa hấu, dưa chuột, thanh long, ngó sen, ba ban, hải sâm, ngao, sò, mộc nhĩ...; Người âm hư có biểu hiện chứng hư nhiệt như có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, đau đầu, chóng mặt, nòng bàn tay và bàn chân nóng, người gầy, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ... phải trọng dụng các thực phẩm và vị thuốc có tính bổ âm, tư âm, dưỡng âm và kiêng kỵ các vị thuốc và thực phẩm có tính ôn nhiệt như thịt chó, thịt dê, nhãn, vải, mít, gừng, tỏi, hạt tiêu...

Tuy nhiên, việc kiêng kỵ cũng không được thiên lệch, nghĩa là không nên ăn quá nhiều, quá lâu một thứ nào đó. Bởi y thư cổ đã giải thích rất rõ: “5 vị khi đi vào cơ thể, đi vào các cơ quan tạng phủ và có thể gây bệnh. Chua đi vào gân, ăn nhiều người sẽ mỏi mệt; Mặn đi vào máu ăn nhiều sẽ khát nước; Cay đi vào khí, ăn nhiều sẽ hại tim...”. Vì vậy, ngay cả khi lựa chọn được các thức ăn phù hợp với thể chất và tình trạng bệnh tật của cơ thể, người xưa cũng khuyên không nên dùng quá mức vì có thể đem lại hậu quả ngược lại, “vật cực tắc phản” chính là như vậy. Ví dụ, người bị bệnh thuộc thể âm hư thì nên dùng các thức ăn có tác dụng bổ âm, dưỡng âm nhưng không nên dùng quá nhiều vì âm thịnh có thể khắc phạt, làm hại đến dương khí trong nhân thể.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top