Xã hội đang đẩy người ta đến sự vô cảm

(khoahocdoisong.vn) - Xã hội đang đẩy người ta đến sự vô cảm, chia sẻ của nhà thơ Vũ Quần Phương. Khi mà cái tốt phải sợ cái xấu, khi con người phải đắn đo trước một hành động nghĩa hiệp để cứu đồng loại... có nghĩa là xã hội không còn an toàn nữa...

Bị đẩy đến sự vô cảm

Gần đây chúng ta nói nhiều tới sự vô cảm đang làm mục ruỗng nền tảng văn hoá, đạo đức của xã hội. Theo ông có thực sự lo ngại đến mức đó không?

Không phải tất cả đều vô cảm. Gần đây bài văn của cậu bé trường Amsterdam đã gây xúc động nhiều người. Hay một thân phận nào bị thua thiệt... cũng khiến xã hội xúc động. Như vậy không phải là người ta vô cảm nhưng hiện tượng vô cảm trong xã hội cũng gặp nhiều hơn.

Rồi những vụ án ghê rợn nhiều quá, làm cho người ta quen với tội ác. Tình trạng thấy kẻ trộm rút ví của người khác mà không dám nhắc nhở, thấy hai đứa trẻ con đánh nhau cũng không can...ngày càng phổ biến. Đấy cũng là vô cảm. Điều chúng ta phải suy nghĩ là tại sao thời chúng ta đang sống nó lại phổ biến như thế?

Vậy theo ông tại sao nó lại phổ biến thế?

Bạn đã nghe nói tới chủ nghĩa Makeno (mặc kệ nó) chưa? Người ta đặt thành khẩu ngữ như vậy tức là đã thành hiện tượng chứ không phải là cá biệt nữa. Có người treo bức tranh thư pháp trong nhà chỉ có chữ thôi kệ (tôi cũng đã làm bài thơ Thôi kệ để nói có những việc không thể thôi kệ.

Trước khi phê phán từng người cụ thể, phải nói rằng họ cũng là nạn nhân của một lối sống, lối ứng xử mà những người quản lý xã hội phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Muốn không vô cảm thì phải tạo điều kiện cho con người được quan tâm đến con người.

Tức là sống trong môi trường này thì khó mà không vô cảm?

Tôi nhớ, cách đây độ mươi năm, mỗi buổi sáng chủ nhật trên truyền hình Hà Nội có chiếu những cảnh khổ của người dân. Có bà cụ sống trên cái trụ cầu, có bà mẹ nuôi đứa con dưới gốc cây... Những cảnh sống cụ thể đó được chiếu lên và quả nhiên trong tuần đó, tháng đó gia đình nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Sau có người e rằng cứ đưa lên như thế là tố cáo cái nghèo nên không cho chiếu nữa.

Vậy là những người đấy khổ thì vẫn khổ nhưng không ai biết đến nên không kích thích được mối thương cảm. Đáng lẽ họ có đấy nhưng không được tạo điều kiện để thể hiện thành ra vô cảm. Hoặc có những vụ án nếu người dân được tới dự họ sẽ có sự thông cảm, hiểu biết một thân phận con người. Nếu cấm tức là không tạo điều kiện cho họ được quan tâm, là đẩy người ta đến sự vô cảm.

Nhà thơ Vũ Quần Phương tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Ông sinh năm 1940. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, ông công tác tại Bộ Y tế rồi sau làm biên tập văn học ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội... Ông là đại biểu Quốc hội khoá IX (1992-1997). Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, nhà thơ Vũ Quần Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học.

Chỗ nào cũng xông vào thì mang vạ

Cũng nhiều khi vô cảm thì an toàn?

Đáng buồn là điều đó lại đúng. Gần nhà tôi trước đây có cái hồ, nhưng sau một số người chiếm để xây nhà, ai có ý kiến thì bị khủng bố, bị ném gạch ném đá vào nhà... Ai bảo vệ họ? Khi có người bị tai nạn, người đến cứu không cẩn thận sau phiền phức lắm. Có khi chở đến bệnh viện người nhà còn xông vào đánh vì tưởng là người gây tai nạn. Hoặc những người chống tiêu cực như thày giáo Đỗ Việt Khoa, rất vất vả. Ai dám noi gương? Con người ta căn bản là hướng thiện, muốn giúp đỡ đồng loại, nhưng qua một vài lần như vậy thì phải tránh. Chỗ nào cũng xông vào thì mang vạ.   

Nghe buồn và bi quan quá!

Đúng là bi quan vì thực sự chưa có cách gì để gỡ ra. Nhiều khi cái vô cảm làm mọt ruỗng xã hội. Khi cái tốt phải sợ cái xấu tức là đã mất công bằng, đã hỗn loạn. Để mọi người rút ra như thế thì nguy hiểm quá. Cái đấy làm thui chột tính thiện của con người.

Nếu vậy thì biết dạy dỗ con cái thế nào đây, khi mà ta không dám làm điều ta cho là đúng?

Dạy một đứa trẻ bây giờ khó lắm. Thấy bạn đánh nhau, nó phải làm gì? Nếu dạy nó chạy vào can thì có khả năng bị đánh. Hay chạy đi là an toàn? Bản thân tôi nếu có trông thấy kẻ trộm móc túi người khác cũng không dám nói. Bản năng có buột định nói ra thì cũng phải tỉnh táo lại mà im lặng, rồi an ủi lương tâm bằng cách nghĩ, thôi thằng này nó nghèo hơn thằng kia để cho nó lấy.

Mình phải nghĩ, tai nạn của mình phải chịu không đáng so với cái đồng tiền người ta mất. Hồi các con còn bé, tôi vẫn dặn chúng nếu bọn côn đồ đòi lấy đồng hồ, hay xe đạp thì cho nó lấy. Đừng cố giữ mà có khi bị đánh. Tôi không dám dạy chúng phải đấu tranh. Ngay bây giờ tôi thấy người ta cũng khuyên trộm có vào nhà, thì chốt cửa phòng mình lại để cho nó ở ngoài lấy gì thì lấy.

Như vậy có tiêu cực quá không, thưa ông?

Khuyến khích để cho người ta có trách nhiệm, có nghĩa hiệp là phải có cả một cơ chế xã hội. Nghĩa hiệp bản năng còn một chút ít thì xã hội lại không làm cho nó phát triển, cộng hưởng mà lại hãm nó lại. Đó là điều đáng suy nghĩ. Vì xã hội không an toàn nên mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ. Tự bảo vệ mình thì thu hẹp trách nhiệm với đồng loại. Người ta không an toàn thì người ta phải lo cho mình trước.

Càng tỉnh táo, càng ích kỷ

Mới đây báo chí có đưa tin có cậu bé cứu 3 người, có cậu bé nhặt được 1,2 tỷ đã mang nộp. Như vậy là vẫn còn tinh thần nghĩa hiệp?

Cái nghĩa hiệp vẫn còn, và còn nhiều chứ. Nhân chi sơ, tính bản thiện mà, thấy người chết đuối ta phải lo cứu người đó, dù bản thân không biết bơi, đấy là cái bản năng. Càng tuổi nhỏ thì càng nghĩa hiệp. Còn người lớn thì tỉnh táo hơn và càng tỉnh táo, càng ích kỷ.

Dường như xã hội càng phát triển thì con người càng ích kỷ?

Xã hội phát triển, cách quản lý tiến bộ thì con người sống thoải mái, tin cậy. Nhưng nếu đời sống vật chất tăng lên, mà quản lý không công bằng... thì mới đảo lộn các giá trị và khi ấy buộc người ta phải tự bảo vệ lấy thì mới sinh ra ích kỷ.

Đi ra đường nếu làn nào đi làn ấy rồi, anh không thể trèo sang vì sẽ gây tai nạn. Nhưng không có kỷ cương thì tắc đường, thấy chỗ nào thoát được là đi, đi lên cả vỉa hè. Tôi lúc đầu cũng giữ gìn nhưng sau thấy người đi trên vỉa hè dễ dàng quá sao mình không đi, lần sau tôi lại đi trên vỉa hè. Nếu ai mắng thì mới xấu hổ, chứ nếu không cứ đi thế chứ.

Tôi nghĩ không thể đổ hết cho xã hội mà mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô cảm của mình?

Mỗi người phải có những nguyên tắc sống, nguyên tắc xử thế, phải có lý tưởng... của mình. Có thể trong cuộc sống nhiều việc mình không định được, nhưng phải giữ nguyên tắc sống của mình. Nguyên tắc sống của tôi là chỉ trông cậy vào mình thôi.

Tôi có thể đặt chỉ tiêu học giỏi, vì đó là cái mình có thể quyết định được, nhưng không đặt mục tiêu phải lên chức vì điều đó còn phụ thuộc vào người khác. Nếu đặt ra thì mình lại quỵ luỵ vì cái đó, làm mất cái nguyên tắc sống của mình. Có thể vì thế mà mình bị thất bại trong nhiều trường hợp, nhưng lại có cảm giác về hạnh phúc đầy đủ hơn.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!
 

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top