World Bank: Việt Nam cần theo dõi chặt lạm phát

Theo World Bank (WB), Việt Nam cần theo dõi chặt lạm phát vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá.

World Bank (WB) vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021.

Báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4,4% trong tháng 9 lên 18,1% trong tháng 10 nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Doanh thu dịch vụ dù bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhưng phục hồi nhanh hơn (44,1%) doanh thu bán lẻ hàng hóa (14,5%) so với tháng trước.

Tuy nhiên, tổng doanh thu từ bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,2% (so với tháng 9).

Nguyên nhân là do chi phí nhóm giao thông tăng 2,1% do giá nhiên liệu tăng, bao gồm giá xăng (tăng 6,7%) và giá dầu diesel (tăng 8,7%).

Bù lại, giá lương thực, thực phẩm tiếp tục giảm 1,3%. Chủ yếu là do nguồn cung thịt tồn đọng nhiều trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Do nhu cầu trong nước vẫn yếu, lạm phát cơ bản, chỉ số giá không bao gồm lương thực-thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cũng giảm 0,17% (so với tháng trước).

So với một năm trước, CPI chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong 3 tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0%.

Các chuyên gia WB đánh giá Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian cách ly xã hội kéo dài, nhưng những diễn biến tích cực được quan sát trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Theo Đời sống
back to top