WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 là 5,5%

GDP Việt Nam năm nay được Ngân hàng thế giới (WB) dự báo tăng 5,5%, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt trên toàn cầu và trong nước.

Con số dự báo của WB hiện thấp hơn mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là 6,5-7%, cũng như con số dự kiến của các tổ chức như HSBC (6,5%), Standard Chartered (6,7%).

Theo báo cáo ngày 13/1 của WB, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin, trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, EU và Trung Quốc. Ngành nông nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng bằng mức của giai đoạn 2020-2021, đem lại đóng góp nhỏ nhưng ổn định cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, WB đánh giá, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nới lỏng hơn, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, tổ chức này chưa bình luận về gói hỗ trợ kéo dài trong 2 năm của Việt Nam do thời điểm lập báo cáo, gói hỗ trợ chưa được công bố về quy mô và nội dung.

Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là trước diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

WB cho rằng, các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Các biện pháp về chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục.

Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cũng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội phải xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng. Rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.

Theo Đời sống
back to top