WB cảnh báo khối nợ khổng lồ ở các nước đang phát triển

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2018, các nền kinh đang phát triển và mới nổi (EMDEs) đã nợ tới 55.000 tỷ USD và có thể khủng hoảng tài chính nếu thời kỳ lãi suất thấp chấm dứt.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bản báo cáo có nhan đề “Các làn sóng nợ toàn cầu”. Đây là nghiên cứu bốn giai đoạn gia tăng nợ trên toàn cầu kể từ năm 1970. Đáng chú ý, nghiên cứu của WB cho thấy, ba giai đoạn gia tăng nợ trước đây ở các nước EMDEs đều kết thúc bằng các cuộc khủng hoảng tài chính.

Báo cáo cho đợt gia tăng nợ gần nhất từ 2010 đến cuối năm 2018 cho biết, tổng nợ bao gồm: nợ tiêu dùng, nợ kinh doanh, nợ chính phủ ở các nước EMDEs lên mức kỷ lục 55.000 tỷ USD. Đây là đợt gia tăng nợ nhanh nhất, lớn nhất và rộng nhất trong vòng 50 năm qua.

Theo WB, tỷ lệ nợ trên GDP của các nước EMDEs đã tăng từ mức 54% lên mức 168% kể từ năm 2010. Phần lớn tăng trưởng của khối nợ này (22.000 tỷ USD) đến từ Trung Quốc. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng 72 điểm % kể từ năm 2010 lên mức 255% vào năm ngoái. Báo cáo lưu ý Trung Quốc là nước vay nợ lớn nhất trong các nền kinh tế đang phát triển nhưng nước này cũng là chủ nợ lớn của nhiều nước nghèo khác.

Các nước đang phát triển có xu hướng thích vay từ Trung Quốc vì điều kiện vay dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi cho vay, Trung Quốc thường áp các điều khoản yêu cầu không được tiết lộ thông tin và các yêu cầu thế chấp tài sản khác.

Báo cáo cũng cho biết ngoài vấn đề nợ gia tăng, các nước EMDEs cũng tích lũy nhiều tổn thương khác. Chẳng hạn mức thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, nguồn thu thuế thấp, trốn thuế tràn lan... WB cảnh báo, làn sóng nợ khổng lồ kết hợp với các yếu tố rủi ro khác có thể khiến lịch sử lặp lại và dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ ở các nền kinh tế EMDEs.

Theo báo cáo, hiện nay, rủi ro của khối nợ khổng lồ trên được giảm nhẹ nhờ nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới áp dụng mức lãi suất thấp kể từ năm 2010 để kích lạm phát. Song nếu lãi suất và lạm phát tăng trở lại, rủi ro của khối nợ này cũng sẽ tăng lên.

Báo cáo của WB cho biết kể từ năm 1970, có 50% trong 521 đợt gia tăng nợ ở các nước đang phát triển dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính, khiến thu nhập đầu người và đầu tư ở các nước này giảm mạnh. Trước đây, các lãnh đạo WB khuyến khích các nước có thu nhập thấp vay nợ trên các thị trường quốc tế để có nguồn vốn phục vụ cho các dự án hạ tầng và đầu tư. Song kể từ khi giá cả hàng hóa giảm vào năm 2015, nhiều nước đang phát triển đã vay nợ để chi trả các chương trình phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế và giảm nhẹ thiên tai.

Theo Đời sống
back to top