Vương quốc lụa ở Đông Bắc Thái Lan

Vương quốc lụa Thái Lan vẫn tồn tại ở vùng Đông Bắc trong dáng vẻ vừa thiên nhiên vừa hiện đại.
Vương quốc lụa ở Đông Bắc Thái Lan

Những trang trại dâu tằm hàng chục nghìn hécta chạy sát chân núi. Giữa rừng, một siêu thị chuyên bán nông sản chế biến, máy lạnh phả hơi mát rượi khi ngoài trời nắng nóng đến 42oC. Vương quốc lụa Thái Lan vẫn tồn tại ở vùng Đông Bắc trong dáng vẻ vừa thiên nhiên, vừa hiện đại như thế.

Đọc E-paper

Từ Bangkok, bà Busaya Cunvong cùng chúng tôi vượt qua 300km đi về đông bắc Thái Lan - nơi vẫn được mệnh danh là "vương quốc" của lụa, của thổ cẩm và hàng làm tay trứ danh bán khắp châu Âu.

Bà Busaya Cunvong đã có 35 năm trong nghề tơ lụa, là một doanh nhân linh hoạt và vui tính, rất thích hoạt động xã hội. Bà làm chúng tôi bất ngờ trước thịnh tình mộc mạc của một doanh nhân cỡ lớn ngành nông nghiệp Thái tại tỉnh Phetchabun.

Trang trại Công ty Chul Thai Silk của bà thẳng cánh cò bay với diện tích khoảng 15 nghìn hécta đất đồi và đồng bằng, hầu hết canh tác cây dâu nuôi tằm - một nghề truyền thống của nông dân vùng này.

Chỉ một chuyến bay ngắn từ miền trung Việt Nam với những khoảng ruộng tách bờ, tách khoảnh, chúng tôi lần đầu được đi thăm một trang trại bằng ô tô như thế. Và phải chạy vòng vòng đến 2 tiếng đồng hồ mới thăm được những cơ sở chính.

Chỉ với 500 công nhân bậc cao cho mô hình khép kín, từ nuôi trồng các giống dâu và tằm đến những nhà ươm tơ rộng lớn, cơ ngơi của Chul Thai Silk xứng đáng là điểm nhấn của vương quốc lụa Thái Lan.

Trên đường ra ruộng dâu, rất đông khách du lịch từ những khu nghỉ mát trên núi gần đó đổ xuống đăng ký đi "tour nông trại" để tìm hiểu về nghề ươm tơ dệt lụa nổi tiếng của vùng đông bắc Thái và mua các sản phẩm của trang trại.

Khởi nghiệp từ phát triển trang trại chuyên cung cấp tơ hạng nhất, đáp ứng cả những đơn hàng cho các ông chủ ngành thời trang ở Tô Châu và Hàng Châu, Trung Quốc, bà Busaya Cunvong đã dựa vào lượng khách ở những khu nghỉ mát trên núi để triển khai mô hình du lịch nông trại với những khu homestay nhỏ trên sườn đồi và mua sắm, giải trí trong các siêu thị nông sản vô cùng bắt mắt với hàng chục loại sản phẩm độc đáo từ cây dâu, con tằm.

Trong vòng 8 năm, lượng khách du lịch ngày càng nhiều đổ về tham quan vương quốc lụa đã rẽ vào khu trang trại của Chul Thai Silk. Từ đó bà chủ năng động đã mạnh dạn đầu tư để tạo ra sản phẩm mới phục vụ khách du lịch, từ mỹ phẩm chăm sóc da, nước hoa, nước rửa chén từ tằm đến hơn một trăm loại kem và mứt hoa quả, các loại thổ cẩm từ lụa tơ tằm.

Nhìn ngắm các mặt hàng ấy, thật khao khát làm sao nông nghiệp Việt Nam có những doanh nhân như bà Busaya Cunvong - người đã làm cho một vùng đất buồn tẻ xưa kia bỗng hút khách du lịch, và cũng là cách giữ gìn và vinh danh nghề dâu tằm truyền thống của Thái Lan.

Bà Busaya nói rất khiêm tốn: "Tôi chỉ thừa hưởng những thành tựu và sự khuyến khích phát triển nông nghiệp mà đức vua vĩ đại Bhumibol Adulyadej mang lại". Người dân Thái yêu mến đức vua của họ là có lý do: Bhumibol Adulyadej là một kỹ sư canh nông tài giỏi và đã cống hiến trọn đời cho sự phát triển nông nghiệp Thái.

Vương quốc lụa ở Đông Bắc Thái Lan ảnh 2

Vùng đông bắc Thái có tỉnh Khon Kaen - một tỉnh chưa mấy phát triển so với các địa phương khác như Chiang Mai, Udon Thani, nhưng nó vẫn rất nổi tiếng vì cái tên "Vương quốc lụa". Gần như các trang trại trồng dâu nuôi tằm và nghề dệt lụa nổi tiếng nhất đều tập trung tại địa bàn này.

May mắn khi chúng tôi đi ngang qua đây đã gặp một lễ hội tơ lụa - nơi các nghệ nhân nổi tiếng tụ về để trao đổi, mua bán nguyên vật liệu, giới thiệu sản phẩm mới. Dưới cái nóng lên đến 43oC giữa mùa hè mà cây cối ở đây vẫn xanh um, những vườn trái cây nối dài, những trang trại tư nhân tiếp nhau chạy đến chân trời. Phần nhiều làng mạc đều có trang trại dâu tằm.

Bởi thế, tại một hội thảo quốc tế về nghề ươm tơ dệt luạ, những người Thái đến dự vẫn giữ vẻ chân chất quê mùa, sự tử tế hồn hậu của người nông thôn. Từ người già đến trẻ em, ở đâu cũng là cái cúi chào lễ phép, cũng nụ cười niềm nở.

Đời sống người dân nơi đây rất phát triển. Chúng tôi đến một vài làng ven thành phố Khon Kaen, phụ nữ ngoài 30 tuổi đều mặc trang phục với hoa văn truyền thống, tên gọi cũng từa tựa như ở ta gọi là "xà lùng" của người Mường. Chính lối trang phục này đã làm cơ sở cho việc phát triển nghề tơ lụa của vùng này.

Bà Măng Thít - một nghệ nhân đã ngoài 70 tuổi kể, cả đời trồng dâu nuôi tằm, người Thái đã thay đổi rất nhiều về công nghệ. Nông dân Thái bắt đầu lập nông trại, đồn điền, áp dụng các thành tựu công nghệ cho nghề truyền thống và vào các hội nghề nghiệp để tăng sức mạnh giao thương. Và tuy là nông dân nhưng họ có thể sử dụng trên dưới một trăm người làm thuê. Những người làm thuê cho nông dân cũng đều có ô tô để đi lại.

Vương quốc lụa ở Đông Bắc Thái Lan ảnh 3
Cửa hàng nông sản chế biến từ dâu tằm trong các trang trại ở Khon Kaen

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi trước cửa những ngôi nhà bình dị giữa các nông trại đều có từ 1 - 2 chiếc ô tô để đi lại hoặc chở hàng hóa. Lúc đó mới sực nhớ taxi rất ít và khó gọi tại thành phố Khon Kaen. Lý do là lượng ô tô riêng bình quân ở Khon Kaen là 2 người một xe. Lý do khác, Khon Kaen không phát triển về du lịch. Những khách sạn lớn đều tập trung đầu tư cho mảng hội nghị, sự kiện. Ở đâu trên những con đường của Khon Kaen cũng thấy cuộc sống thanh bình, xe chạy đúng luật với tốc độ vừa phải vì có làn đường chung cho xe máy và ô tô, dù xe máy cũng chỉ dăm chiếc.

Người Khon Kaen hiền hậu và tử tế giữa cuộc sống sung túc và hiện đại. Một cô giáo sẵn sàng đưa cho tôi mượn chứng minh thư để vào bưu điện mua sim điện thoại. Cô đưa chứng minh thư cho tôi rồi đi. 2 ngày sau, tôi mới gặp lại để trả kèm lời cảm ơn. Anh đội trưởng cảnh sát đã dừng buổi tập điều lệnh và để cấp dưới đứng chờ chỉ để dẫn chúng tôi đi qua một con phố dài đến bến taxi và gọi xe. Tôi để quên điện thoại ở hội trường hội nghị, phải báo với ban tổ chức. Cô trợ lý của ban tổ chức cười, bảo cứ yên tâm, tí nữa cô phát loa, ai nhặt được điện thoại sẽ gửi lại, không thể mất được. Quả đúng như vậy. Ban tổ chức chưa kịp phát loa mà tôi đã nhận được điện thoại.

Khon Kaen bình dị, vui vẻ. Rời khỏi đó rồi mà tôi vẫn cứ nhớ và khâm phục khi siêu thị ở một tỉnh xa xôi mà có quy mô lớn ngang với những trung tâm mua sắm lớn nhất ở TP.HCM. Nhớ những chợ đêm không có bất cứ du khách nào mà vẫn tấp nập ngang với chợ đêm ở Hàng Đào, Hà Nội.

Theo doanhnhansaigon.vn
back to top