“Vườn rau” dinh dưỡng, an toàn cho dân đô thị

(khoahocdoisong.vn) - Tại các đô thị, trồng rau tại ban công, sân thượng đang phát triển mạnh bởi nó tạo không gian xanh, cải thiện đáng kể nhiệt độ, ẩm độ cho ngôi nhà, đặc biệt tạo ra nguồn rau quả thuận tiện sử dụng. 

Ba nhóm chính

ThS Nguyễn Xuân Xanh, Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hầu hết các loại rau quả đều có thể trồng trên không gian ban công, sân thượng nếu đảm bảo kỹ thuật chăm sóc tốt, chọn giống phù hợp thời vụ và không gian trồng. Về mặt dinh dưỡng, “vườn rau” gia đình cần duy trì thường xuyên 3 nhóm chính. 

Thứ nhất là nhóm rau có màu xanh đậm (mồng tơi, rau ngót, rau muống, rau lang…). Nhóm này giàu chất sắt và vitamin giúp bổ máu, sáng mắt và phòng bệnh nhiễm trùng. Nhóm thứ hai là rau củ quả chín có ruột màu đỏ hoặc vàng (cà chua, cà rốt, bí ngô, dền đỏ…). Nhóm này rất giàu vitamin A và vitamin C giúp phát triển thông minh, tốt cho tim mạch, sáng mắt và phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng. Nhóm ba là các loại đậu đỗ (đậu cô ve, đậu ván, dậu hà lan…) có nhiều chất sắt, can xi, chất béo và đạm thực vật giúp cơ thể cao lớn, xương chắc khỏe.

Nhiều người cho rằng, ban công, sân thượng eo hẹp khó có thể trồng đủ ba nhóm cây này là chưa đúng bởi mỗi loại cây sẽ có đặc tính, thời vụ gieo trồng khác nhau. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng, bạn cần tìm hiểu đặc tính của các chủng loại rau quả để lựa chọn thời vụ, vị trí trồng cho phù hợp. Ngoài ra, người dân có thể trồng phối hợp các loại cây với nhau để vừa tận dụng không gian, cây vừa có khả năng hỗ trợ với nhau về mặt sinh thái để tạo ra nguồn sản phẩm đa dạng và chất lượng tốt. Ví dụ: vị trí nắng nóng nhiều sáng trồng các cây chịu nhiệt và ưa sáng (bí, bầu, mướp, đậu đỗ, mồng tơi, rau muống…), phần ánh sáng thấp có thể trồng cây rau gia vị (húng, diếp cá, gừng, xà lách…). 

Đừng hiểu sai về phân bón 

ThS Nguyễn Xuân Xanh cho hay, cách hiểu trồng rau an toàn (rau sạch như mọi người thường gọi) là không bón các loại phân nào là sai bởi mọi cây trồng đều cần được cung cấp cấp đầy đủ dinh dưỡng mới tạo ra sản phẩm năng suất và chất lượng. 

Trong điều kiện trồng rau ban công sân thượng, dinh dưỡng bị hạn chế trong chậu/vại và dễ bị tiêu hao do điều kiện nhiệt độ cao nên việc bón phân càng cần được chú trọng. 

Tuy nhiên, việc bón phân cần bón cân đối, đúng liều lượng, đúng chủng loại và đúng thời điểm. Nếu bón sai kỹ thuật (ví dụ bón quá nhiều đạm urê trước khi thu hoạch) sẽ dẫn đễn hàm lượng nitrat trong rau vượt quá ngưỡng cho phép gây mất an toàn. Việc này thường xảy ra với những người chưa hiểu biết về kỹ thuật bón phân.

Theo ThS Nguyễn Xuân Xanh, hoàn toàn có thể kết hợp phân bón hữu cơ với phân bón hóa học (đạm, lân, kali, phân tổng hợp NPK…) khi trồng rau ban công, sân thượng và nên bón vào thời kỳ thời kỳ cây con, thời điểm cây ra hoa kết trái và kết thục bón trước khi thu hoạch 5-7 ngày. 

Trong trường hợp không sử dụng phân bón hóa học, có rất nhiều cách người dân có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây vẫn đảm bảo an toàn và tiết kiệm như sử dụng các loại phân hữu cơ đã qua xử lý (phân trâu, bò, lợn gà, phân trùn quế, tro, trấu…); sử dụng các chế phẩm hữu cơ, chế phẩm sinh học (đạm cá, đạm đậu tương, chế phẩm EM các loại…), tận dụng rác thải hữu cơ tại nhà: vỏ hoa quả, rau, cơm thừa, vụn thịt cá tôm… ủ với chế phẩm EM trong khoảng 1 - 2 tháng, lấy dung dịch ủ pha loãng tưới cho cây, phần bã bón cải tạo đất…

 Để xây dựng “vườn” rau tại nhà hiệu quả, an toàn và đảm bảo dinh dưỡng, người dân nên chuẩn bị các bước sau đây trước khi tiến hành thực hiện:

- Đọc, tìm hiểu và tham khảo về kỹ thuật trồng rau ban công, sân thượng, tham khảo các mô hình phù hợp với không gian nhà mình;

- Tìm hiểu về đặc tính một số loại rau quả phù hợp với nhu cầu sử dụng;

- Thiết kế hệ thống giàn, chậu trồng rau phù hợp với không gian và mục đích sử dụng;

- Lựa chọn chủng loại cây trồng phù hợp qua việc xem xét các yếu tố thời vụ, đặc tính cây trồng, giá trị dinh dưỡng để bố trí thời điểm và vị trí trồng cây phù hợp.

- Lựa chọn các đơn vị có uy tín để tư vấn và cung cấp các sản phẩm đầu vào (chậu, đất trồng, giống, phân bón, dinh dưỡng…) để đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt hiệu quả sử dụng.

Theo Đời sống
back to top