“Vua lan” vươn tầm nông nghiệp Việt

(khoahocdoisong.vn) - “Đến thời điểm này, đội ngũ kỹ thuật của tôi có thể quyết định cho hoa nở chính xác vào ngày nào, nở bao nhiêu bông. Trang trại hoa lan dự kiến lớn tới 35ha của tôi hiện nuôi trồng 40 loại hoa lan đủ màu sắc. Một ngày gần đây, nơi này sẽ trở thành một khu nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam và khu vực để tất cả mọi người có thể đến tham quan...”, ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ đầy tự hào.

Người bị lan “bỏ bùa”

Mắt người đàn ông tuổi ngoại lục tuần sáng rỡ khi nói về khu trang trại hoa lan lớn thuộc loại nhất châu Á của mình tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ông thân chinh dẫn tôi rảo một vòng từ khu nuôi cấy mô gồm các phòng lab tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt như phòng mổ bệnh viện, qua hàng chục nhà kính có thể tùy ý điều chỉnh chính xác nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm - nơi nuôi trồng hàng chục loại lan hồ điệp màu sắc rực rỡ bao gồm nhiều cỡ tuổi khác nhau. Ông chỉ cho tôi hàng chục nhóm tiểu thương đang tấp nập đánh xe đến tận trang trại để nhập hoa và cho biết năm nay dù dịch bệnh Covid-19 nhưng không đủ hàng để bán.

Ông Kính nói say sưa, không biết mệt mỗi khi đụng tới từ khóa “hoa lan”, cứ như tự sự về đứa con yêu hoặc một người đẹp trong mộng nào đó. Lan hồ điệp được nuôi cấy tại khu trang trại bề thế của ông được cho là loại “nhất Việt Nam”, “chất” hơn lan nhập ngoại. Điều đặc biệt là chúng hoàn toàn trồng trong nước, bởi bàn tay và trí tuệ của người Việt.

Lan hồ điệp đẹp thân to, lá xanh mướt và cánh hoa to, màu sắc rực rỡ. Ông Kính bảo, lan hồ điệp loại thấp cấp cho thân nhỏ, hoa nhỏ, bộ lá ít, yếu, chơi chỉ được tầm trên tháng là tàn, loại đắt hơn chơi được gần 2 tháng. Nhưng riêng loại lan hồ điệp do công ty ông trồng và kinh doanh, sẽ đảm bảo chơi được 2 - 3 tháng, chất lượng tương đương hoặc hơn lan hồ điệp cao cấp nhập từ Đài Loan (Trung Quốc).

Đó hoàn toàn không phải những lời khoe khoang bốc đồng. Ròng rã suốt gần 20 năm qua, ông Kính lăn lóc trong ngành nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể là ngành trồng hoa, dường như bị… “bỏ bùa” song đồng thời cũng là một cuộc chơi khốc liệt đầy mồ hôi và nước mắt – lời ông nói. Trường vốn, quyết tâm và sáng tạo là ba lý do để ông tự tin vào khả năng của lan hồ điệp “Made in Vietnam” trong cạnh tranh với lan nhập ngoại và xuất khẩu.

Nhiều người hẳn sẽ cười khi nói chuyện nông nghiệp công nghệ cao từ hoa lan hồ điệp. Tuy nhiên, trước khi hoài nghi, hãy biết rằng mỗi năm thế giới tiêu thụ chừng 800 triệu giò lan hồ điệp, với quy mô chừng 10 tỷ USD. Con số đó đủ tạo ra một thị trường của chỉ riêng lan hồ điệp.

Cho đến hiện tại, phần lớn thị trường lan hồ điệp do các doanh nghiệp tại Đài Loan và Trung Quốc chia nhau. Đài Loan có thể là vùng lãnh thổ đứng đầu thế giới về sản xuất và kinh doanh giống lan hồ điệp, với giai đoạn cao điểm có trên 4.000 công ty, nhà vườn trồng lan hồ điệp, cung cấp cho toàn thế giới. Hòn đảo này cũng là nơi đầu tư lớn nhất vào công nghệ, để cho ra những giò lan hồ điệp đẹp nhất thế giới.

Tại Việt Nam, nhu cầu lan hồ điệp mới chỉ chừng 20 triệu giò mỗi năm. Chừng đó đã đủ tạo ra một thị trường sôi động quy mô cỡ… 6.000 tỷ đồng, gia tăng qua từng năm. Nhưng đừng giật mình vì con số đó. Mà hãy giật mình vì thực tế từ trước tới nay, thị trường ấy phụ thuộc và rủi ro vì lan nhập lậu, lan kém chất lượng. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp, nhà vườn Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào kinh nghiệm, kỹ thuật và thậm chí cả giống lan hồ điệp nhập khẩu.

Về hiệu quả kinh tế, lan hồ điệp có thể đứng đầu trong số những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao – ông Kính khẳng định. Nếu mỗi ha đất nông nghiệp cho thu nhập bình quân 100 - 150 triệu đồng/năm, thì một ha trồng lan hồ điệp cho thu nhập ròng không dưới 3 tỷ đồng mỗi năm. Thậm chí nếu ứng dụng công nghệ tốt, thu nhập có thể lên tới 4 tỷ đồng nhờ trồng lan hồ điệp.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện, chuyển qua đủ nghề, trong đó có làm báo, rồi may mắn thành công nhờ bất động sản, ông Kính không nghĩ tới lúc mình sẽ bị ngành nông nghiệp… bỏ "bùa". Tất cả bắt nguồn từ câu hỏi khi đi giải tỏa mặt bằng cho khu công nghiệp, rằng nông dân sẽ làm gì sau khi cầm tiền đền bù mà lại mất sinh kế không còn bờ xôi ruộng mật? Ông Kính đã hỏi ông Nguyễn Công Tạn - khi đó đang là Phó Thủ tướng Chính phủ - như thế.

Câu trả lời của ông Tạn đã định vị công việc của ông Kính từ năm 2003 đến nay, gắn với nông nghiệp. “Phải làm nông nghiệp công nghệ cao” – ông Tạn nói. Và thế là ông Kính đổ tiền sang nông nghiệp, bắt đầu từ trồng hoa hồng. Ông dốc hết vốn liếng tích cóp được trước đây cộng với khí thế khởi nghiệp hừng hực. Kết quả là... thất bại. Cả triệu đô bỗng chốc ném xuống sông, các chủ nợ ngày nào cũng đến đòi tiền như truy sát...

Nhưng ông Kính không nản, ông vẫn tin con đường mình chọn là đúng, chỉ là sai về phương pháp mà thôi. Ông cắn răng tầm sư học đạo khắp nơi lần mò sang Đài Loan dụng công học bằng được bí quyết cấy ghép mô lan hồ điệp. Trời không bạc đãi người có tâm, chỉ sau vài năm, ông Kính bắt đầu thắng lớn. Có giai đoạn, lãnh đạo nhiều địa phương phía Bắc đổ về công ty của ông tại Bắc Ninh nghiên cứu mô hình trồng hoa để hy vọng phổ biến cho người dân.

Doanh thu từ hoa hồng và một số loài hoa phổ thông khác vẫn chưa đạt ngưỡng kỳ vọng thậm chí còn bị lỗ do phụ thuộc công nghệ, thời tiết. Hiệu quả của hoa phổ thông không thể bằng được như loài hoa quý tộc lan hồ điệp. Nhưng làm thế nào trồng được lan hồ điệp đẹp như lan Đài Loan, thì lại là bài toán quá khó với người Việt. Và thế là ông Kính chuyển hướng đầu tư sâu cho trồng lan hồ điệp. Đó thực sự là một canh bạc.

Làm nông nghiệp rất...lãi

Ôn tồn, khiêm tốn song cũng rất giỏi giang, Nguyễn Minh Trí – 34 tuổi, hiện đã là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu. Sau 10 năm học tại nước ngoài, Trí về nước và nhận công tác Bộ Công Thương 5 năm, sau đó về công tác tại công ty được ông Kính lập ra, với nhiệm vụ rất cụ thể: Giành lại càng nhiều càng tốt thị phần cho lan hồ điệp Việt Nam từ lan Trung Quốc, Đài Loan. Chàng trai ấy nói rất ôn tồn và thực tế: “Thị trường đủ cho tất cả, bên em không đặt vấn đề cạnh tranh với lan Trung Quốc và Đài Loan. Mà chuẩn bị thật tốt cho vài năm nữa có thể gia tăng thị phần trong nước, xuất khẩu”.

Không riêng Trí, để chuẩn bị cho cuộc giành lại thị trường, từ khi bắt tay xây dựng chiến lược cho lan hồ điệp Made in Vietnam, ông Kính đã tuyển hàng chục kỹ sư nông nghiệp đưa sang Đài Loan tu nghiệp. Đây cũng chính là những nhân sự nòng cốt hiện tại của công ty hoa lan của ông. Đó mới chỉ là một phần toan tính đường xa cho lan hồ điệp Việt Nam.

Từ năm 2017, ông Kính bắt tay đầu tư cho trồng lan hồ điệp chất lượng cao trong nước. Đầu tiên là thất bại, vài chục tỷ đồng đầu tư cho nhà kính, giống tốt, chăm sóc đúng quy trình vẫn chưa đảm bảo cho ra những giò lan hồ điệp như ý muốn. Vài chục tỷ đồng khác tiếp tục được đầu tư, nhưng lần này thận trọng hơn, với việc ông Kính sang tận Đài Loan ký hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với nhà sản xuất lan hồ điệp hàng đầu hòn đảo này khi ấy.

Hai năm sau, những thành quả đầu tiên bắt đầu đơm trái ngọt, khi với những mầm giống tốt của lan hồ điệp Đài Loan đã cho ra những giò lan nhất hạng trên đất Việt, bởi bàn tay người Việt. Ông Kính nhớ lại, hội chợ hoa năm ấy, trong 1 ngày, ông đã bán hết số lan hồ điệp dự tính bán trong 5 ngày. Tết Tân Sửu này, ông Kính chuẩn bị lượng hàng gần gấp 3 lần năm trước, bán tốt. “Đợt này chưa đến Tết đã không còn lan để bán”, ông Kính cho biết.

Bây giờ, mối liên kết giữa công ty ông Kính với công nghệ lan hồ điệp Đài Loan đã càng thêm bền chặt, với việc ông thương lượng thành công mua lại 40% cổ phần một công ty sản xuất lan cỡ lớn, chất lượng tốt nhất của hòn đảo này. Đấy là tầm nhìn xa của một người không bao giờ hài lòng với bản thân. Trong nước, ông Kính nuôi kế hoạch đầu tư 3.000 - 5.000 tỷ đồng, xây dựng 120.000 – 130.000m2 nhà kính trồng lan, cùng với việc chuyển giao công nghệ tạo giống, chăm sóc cây. Ông Kính nói rằng, hiện công ty Toàn Cầu đã hoàn toàn tự chủ công nghệ chăm sóc chọn màu hoa, ngày nở, đặc biệt là đảm bảo thời gian chơi hoa được lâu dài không kém hoa nhập, từ 2 – 3 tháng. Và công ty của ông hiện cũng đã thuộc top đầu Việt Nam trong lĩnh vực trồng lan hồ điệp. Ông cũng hoạch định riêng một khu bảo tồn nguồn gene đặc hữu quý hiếm của lan Việt Nam nhằm chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi hơn. Khu trang trại 35ha bề thế hiện đang được thiết kế thành một tour tham quan trực quan sinh động, đầy thiết thực và ý nghĩa cho các em học sinh về ngành nông nghiệp mới, theo cách gọi của ông Kính.

“Làm nông nghiệp công nghệ cao rất lãi”, ông Kính nở nụ cười tươi rói, đúc kết sau 17 năm làm “nô lệ” cho loài hoa lan.

Theo Đời sống
back to top