“Vua duối” Kinh Bắc kể chuyện “bắt rồng”

Kinh Bắc, “vua duối” Nguyễn Thế Vững là người nổi tiếng. Nhưng sự nổi tiếng ấy phải đánh đổi bằng 30 năm và cả cuộc đời “bắt bóng luyện rồng”.

•  Những đồn thổi lạ về cây duối thời Lý

•  Hoa ngọc lan – Cây cảnh làm thuốc

Ông Vững bên tác phẩm “lưỡng long chầu nguyệt”.

“Thằng hâm mới đi trồng duối”

Ngôi nhà mới xây của “vua duối” Nguyễn Thế Vững nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc thôn Thiểm Xuyên, xã Thụy Hòa (Yên Phong – Bắc Ninh) đầy ắp những chậu duối cảnh đủ thế dáng chen chúc nhau trong một mảnh đất nhỏ trước nhà.

Người đàn ông đen nhẻm gầy như thanh củi khô trễ kính xuống mũi nhìn những chậu cảnh tội nghiệp chưa được “an cư” và suy nghĩ một điều gì đó xa xôi lắm. Tôi hỏi, sao không trồng duối ra vườn cho an tâm? Ông buồn phiền: “Trồng ra vườn thì xa mình quá, duối là phải ở gần người mới xanh tốt có hồn được”.

Và câu chuyện bắt đầu từ 30 năm trước khi Nguyễn Thế Vững tròn 30 tuổi là anh nông dân lực điền của Hợp tác xã Thụy Hòa. Rồi bỗng một ngày đầu năm 1980, anh nông dân ấy từ bỏ ruộng đồng vác dao đi khắp nơi. Không ai biết anh đi đâu, làm gì nên chỉ có một phán đoán duy nhất là “thằng này vác dao đi chém người”.

Vững gần như trầm cảm, cả ngày không nói lời nào và người nhà lại phát hoảng hò nhau, người kéo chân kẻ kéo áo khi thấy Vững vác dao ra đường vào lúc trời nhá nhem tối: “Vững ơi, tao xin mày Vững ơi. Mày chém ai ở cái làng này thì mày chém chết mẹ mày trước đi con ơi”.

Vào sáng hôm sau, cả nhà Vững lại hốt hoảng khi thấy trước sân nhà la liệt cây duối dại. Sau một hồi giải thích, cả nhà mới hiểu và bò lăn ra cười vì “nó vác dao đi đào cây duối”. Cuộc đời của anh nông dân bắt đầu “kết duyên” với những cây duối vô giá trị mọc hoang hóa đầy những gò đất ở cánh đồng ngoài nghĩa địa.

Nhiều người thấy Vững bỗng dưng bỏ ruộng đi làm cái việc vô công rồi nghề thì toạc miệng: “Thằng hâm mới đi trồng duối”. “Mà đúng là mình hâm thật. Cây duối chẳng khác nào củi khô, không thể làm cảnh, không thể lấy quả, không sinh ích lợi… mà mình đi trồng, thế mới dở”, ông Vững tâm sự.

“Vua duối” Kinh Bắc kể chuyện “bắt rồng” ảnh 2

30 năm luyện… rồng ở đất Kinh Bắc

Cũng từ ngày dở chứng đi trồng duối, Vững bắt đầu lang thang tại các chùa chiền để ngắm cảnh lấy cảm hứng. Trong một lần lên chùa Hàm Long – một ngôi chùa cổ nổi tiếng của Bắc Ninh, Vững phát hiện đôi rồng đá tuyệt đẹp.

Từ đó, trong đầu lúc nào Vững cũng nghĩ về rồng và ngày ngày đi lang thang, lân la đến các bãi đất hoang, những bụi cây rậm, thậm chí nửa đêm xách đèn ra bãi tha ma cách nhà ba cây số tìm cây duối có thể uốn hình rồng.

Vận may đến vào mùa thu năm 1980 khi Vững đuổi theo đôi rắn hổ mang ở gò đất hoang làng bên. Đôi rắn chui tọt vào hang nhưng phía bên trên lại xuất hiện một “con rồng” kỳ lạ. Đó là cây duối nhỏ có dáng uốn lượn như rồng tuyệt đẹp. Vui mừng, Vững đánh ngay cây duối về nhà trồng vào một cái ang lớn và chăm sóc rất cẩn thận.

Như có duyên, vào năm sau khi đi dự đám cưới ở huyện Quế Võ, Vững lại thấy một cây duối hình rồng bên ngay vệ sông Cầu. Bỏ đám, Vững lọc cọc chở duối về nhà. Đủ một đôi rồng tí hon đã quá mừng nhưng công cuộc “luyện rồng” mới đầy gian khổ.

Tròn chẵn 30 năm, đôi rồng ấy đã vắt kiệt sức lực của một thanh niên lực điền thành một ông già gầy yếu. “Nhưng đấy là niềm vui, 30 năm tôi ăn ở với duối. Dạy con từ thuở còn thơ, tôi từng ngày mầy mò uốn cho duối thành rồng”, ông Vững thỏa nguyện.

Có một điều tôi nhận ra ở ông “vua duối dở hơi” là luôn nhận duối là “con” của mình. Suốt 30 năm, những đứa con bằng xương bằng thịt của ông nheo nhóc đều do một tay vợ chăm sóc vì ông bù đầu vào những cuộc kiếm tìm, tạo dáng cho duối.

“Tôi chưa kiếm một xu nào từ duối”, đó là lời tâm sự rất thật, vì toàn bộ tài sản duối của ông hiện đều có mặt ở trước nhà. Mỗi cây, từ to đến nhỏ đều có riêng một “nhật ký” ghi rõ ngày trồng, chiều cao…

Nhìn đôi “lưỡng long chầu nguyệt” của ông Vững mà không ai không… thèm. Đã có nhiều đại gia đánh xe láng coóng về trả ông tiền tỷ để đổi lấy đôi rồng ấy nhưng ông không bán. “Chẳng người cha nào tham tiền đến độ phải bán đứa con mình đi cả”, ông Vững cho hay.

“Tú vườn” và triết lý… bào thai

“Thằng hâm mới đi trồng duối” ngày nào giờ đã được dân làng và giới sinh vật cảnh phong cho là “tú vườn” – một chức danh không chính chức nhưng có vẻ chính danh. Ông Vững vốn cũng đã từng tự nhận mình như vậy và ông còn có cả một mớ những triết lý khác lạ về nghệ thuật trồng cảnh mà tôi đồ rằng, từ trước tới nay chưa ai có.

Từ cây duối, các thế cây được ông Vững đặt tên rất mỹ miều, ngoài “lưỡng long chầu nguyệt” còn có: bạt phong hồi cố, huynh đệ đồng khoa, lão giả an chi, phu phụ nhất tử… Những cái tên ấy đều rất hợp với thế cây và tạo cho người thưởng lãm một thú vị về nghệ thuật và văn hóa gia đình người Việt.

Ông Vững bảo, trồng duối phải “trong tĩnh ngoài động” tức là bề ngoài phải luôn sôi động, luôn hào hứng và dứt khoát nhưng bên trong tâm hồn phải lắng lại, tạo cho mình một cảm hứng và trí tưởng tượng thì mới có thể tạo thế cho duối như các loài cây khác.

Đêm xuống là thời gian ông Vững “sáng tác” ra những thế cây mới cho duối. Ông có triết lý bào thai, muốn có tâm hồn trong trẻo thì phải “tĩnh như bào thai nuôi con nhỏ”. Đó có lẽ là lý do mà các con ông không thể chịu được khi thấy bố cứ nửa đêm là lục tục dậy “nói chuyện với cây”.

“Đôi khi tôi cũng nghĩ, hay là mình “yêu duối quá hóa tâm thần” nhưng không phải. Cái “anh” duối này khó tính lắm. Đấy chú xem cả nước Việt Nam và thế giới có ai trồng và tạo được thế cho duối chưa. Tôi khẳng định là chưa có ai đâu. Duối không đơn giản như cây sanh mà ngược lại, nó có duyên với ai thì nó mới chịu cho tạo dáng, không thì chết ngay”, ông Vững tiết lộ.

Hiện nay, tổng tài sản của “vua duối” đã lên tới tròn chẵn 100 cây không hơn không kém. Trong đó có nhiều cây rất giá trị với thế dáng độc nhất vô nhị. Hàng ngày, vẫn có những đoàn khách tham quan và có cả những nghệ nhân đến học hỏi cách trồng duối.

“Duối của “tú vườn” Nguyễn Thế Vững là những kiệt tác nghệ thuật mang cả ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tâm linh. Duối rất dễ trồng nhưng cũng rất dễ chết, người tài hoa cần cù mới có thể tạo thế dáng cho duối. Như đôi “lưỡng long chầu nguyệt” là một điển hình cho tài trí và sự khéo léo của nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam”, PGS.TS Dương Văn Tiển – Trường Đại học Thủy Lợi nhận xét về “vua duối” Kinh Bắc.

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top