Vụ sán lợn: Xét nghiệm máu… chưa chắc đúng

(khoahocdoisong.vn) - Hàng ngàn trẻ em tại 18 trường mầm non ở Bắc Ninh đã được lấy máu xét nghiệm sán dây lợn và đã có 209 trẻ dương tính. Nhưng xét nghiệm máu có chính xác?

Trước thông tin hàng ngàn phụ huynh cho con xuống Hà Nội xét nghiệm sán dây lợn (SDL) và tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện lấy máu toàn bộ học sinh 18 trường mầm non được Cty Hương Thành cung cấp thịt lợn, PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó chủ nhiệm Bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, có thể do quá lo lắng con em mình bị mắc bệnh SDL (Taenia solium) nên phụ huynh đã hơi vội vã khi đưa trẻ đi làm xét nghiệm máu. Mà bỏ qua bước quan trọng và đơn giản, chính xác nhất để xác định bệnh đó là xét nghiệm phân.

PGS.TS.BS Mạnh Siêu phân tích, bệnh sán lợn gồm 2 thể: Bệnh SDL đường ruột và bệnh ấu trùng sán lợn (ATSL) - Cysticercus cellulocea. Tại đường ruột: Do SDL trưởng thành ký sinh tại ruột non. Bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa. Để chẩn đoán đúng, cần làm xét nghiệm phân tìm thấy đốt sán hoặc trứng sán có vỏ dày, màu sậm và có 6 móc. Thể ATSL còn gọi là lợn gạo, ấu trùng chu du ở các cơ quan nội tạng như mắt, não, hệ thần kinh trung ương... Tuy nhiên, trường hợp này ít khi xảy ra so với người nhiễm SDL tại đường ruột.

Gạo lợn là một bọc màu trắng đục, kích thước từ vài mm đến 10mm, bên trong chứa một dịch trong và một đầu sán với hàng móc đặc trưng của đầu sán Taenia solium.

Trong trường hợp ở Bắc Ninh, nếu trẻ có các triệu chứng xanh xao, mệt mỏi, tiêu chảy, bụng to,...thì không chỉ trẻ mà cả gia đình phải làm xét nghiệm phân. Xét nghiệm sớm, việc điều trị sẽ rất dễ dàng, chỉ cần cho uống thuốc praziquantel một liều duy nhất 15- 20mg/kg cân nặng.

 Nếu trẻ có thêm những triệu chứng: đau đầu ngày càng tăng, yếu liệt tứ chi, liệt nửa người, mờ mắt... thì mới nghi ngờ trẻ bị ATSL. Lúc này, mới cho trẻ xét nghiệm máu (ELISA) hoặc phối hợp thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như: X-Quang, CT hoặc MRI để phát hiện nang sán trong não, mắt hoặc cơ quan nội tạng, để có chẩn đoán chính xác.

PGS.TS.BS Mạnh Siêu chia sẻ: “Khi kết quả xét nghiệm máu cho thấy huyết thanh có kháng thể với bệnh này cũng chưa chắc trẻ bị mắc bệnh. Bởi trẻ từng mắc sán lợn, đã điều trị hết bệnh trong thời gian không lâu, khi xét nghiệm máu cũng cho ra kết quả dương tính (vì đây chỉ là kháng thể lưu hành). Vì vậy lúc này xét nghiệm máu chỉ là một gợi ý. 

Đun sôi nang sán cũng… không chết?

Nang sán trong thịt lợn (SDL) hay thịt bò (sán dây bò) đều có thể bị tiêu diệt khi nấu chín ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10 phút. Tuy nhiên, với một tảng thịt dày, đun không đủ thời gian, chỉ chín bên ngoài mà bên trong chưa chín, thì nang sán vẫn còn khả năng sống sót.

Một nguyên nhân phổ biến hiện nay khiến thịt khó chín kỹ khi đun sôi là dùng thịt, cá đông lạnh. Trước bữa ăn, mới đem rã đông qua loa rồi bỏ thịt cá còn lạnh vào nồi nấu, như vậy dù bên ngoài thực phẩm đã chín, nhưng bên trong nhiệt độ vẫn còn thấp, không đủ giết các nang ký sinh trùng.

 Quảng Thảo

Theo Đời sống
back to top