Vụ lùm xùm nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai: Những ai dính líu “ông trùm” BMS?

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều năm qua, Công ty CP Công nghệ y tế BMS trúng hàng loạt gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho nhiều bệnh viện tại nhiều địa phương trên cả nước. Phương thức tham gia và trúng thầu của doanh nghiệp này có thể là độc lập hoặc liên kết để trúng các gói thầu vài chục tỷ với tỷ lệ tiết kiệm thấp.
Vụ án kê khống giá thiết bị y tế Robot Rosa xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

Vụ án kê khống giá thiết bị y tế Robot Rosa xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.

“Ông trùm” cung cấp thiết bị y tế

Liên quan tới vụ án kê khống giá thiết bị y tế (hệ thống Robot Rosa) tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phạm Đức Tuấn (SN 1979) - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ y tế BMS (BMS) và bà Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983) - Phó Giám đốc BMS, Trần Lê Hoàng (SN 1978) - Thẩm định viên Công ty VFS.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Cụ thể, giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng. Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cùng thời điểm robot Rosa được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai (tháng 3/2017), Công ty BMS cũng cung cấp cho bệnh viện này robot Mako, theo hình thức xã hội hóa. Đây là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật khớp gối, khớp háng, có xuất xứ từ Mỹ, với tổng giá trị đầu tư là 44 tỷ đồng.

Ngoài tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn trúng hàng loạt gói thầu thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện trên cả nước - Ảnh: Trần Hải

Ngoài tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS còn trúng hàng loạt gói thầu thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện trên cả nước - Ảnh: Trần Hải

Bên cạnh đó, ngoài việc cung cấp robot cho Bệnh viện Bạch Mai bằng hình thức xã hội hóa thì Công ty BMS cũng đã độc lập, liên danh tham gia và trúng nhiều gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện cả nước.

Điển hình là tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tháng 3/2020 Liên danh Công ty BMS và Công ty CP Đầu tư Tuấn Ngọc Minh đã trúng gói thầu vật tư thay thế thuộc dự án "Phê duyệt dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua vật tư y tế năm 2020" với giá trúng thầu lên tới 68,4 tỷ đồng, trong khi đó giá gói thầu 68,44 tỷ đồng, tức là tỷ lệ tiết kiệm rất thấp chỉ khoảng 4 tỷ đồng.

Cụ thể, gói này gồm 25 mặt hàng, trong đó có 1.150 vít hợp kim cố định dây chằng chéo chốt ngang TransFix, thành tiền là gần 14 tỷ đồng; lưỡi bào khớp RF (đầu đốt) 1.650 cái với tổng giá tiền hơn 16 tỷ đồng; vít chốt dây chằng hình chữ U-Stap tổng giá là 8,3 tỷ đồng; lưỡi bảo làm khớp các cỡ 8,712 tỷ đồng;...

Tại Nghệ An, Liên danh Công ty TNHH Việt Quang – Công ty TNHH AT và T – Công ty CP Asiatech Việt Nam – Công ty BMS trúng “Gói thầu số 01: Mua sắm trang thiết bị y tế” thuộc đề án “Phát triển y tế miền tây tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 và Đề án Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020” với giá trúng 45,035 tỷ đồng, trong khi đó giá gói thầu là 45,125 tỷ đồng, chỉ tiết kiệm chưa đến 100 triệu đồng cho ngân sách.

Tại Thái Bình, Công ty BMS cũng trúng thầu “Gói vật tư y tế số 6: Vật tư y tế liên quan đến chấn thương, chỉnh hình” thuộc dự án “Mua sắm hóa chất, vật tư y tế cho các cơ sở y tế tỉnh Thái Bình năm 2019 - 2020” với giá 33 tỷ đồng. Trong khi đó, có 02 nhà thầu khác là Liên danh Danh - An Bình địa chỉ 192 đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội và Liên Hà Nội IEC - Danh - Hải Đăng Vàng địa chỉ số 35 Lô 1A Trung Yên, 11B Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội trượt thầu do không đảm bảo một số quy định của hồ sơ mời thầu.

Tại Hải Phòng, Công ty BMS đã trúng nhiều gói thầu liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn trong nước. Đáng chú ý, BMS đều trúng các gói thầu này với giá trúng bằng giá gói thầu.

Cụ thể, Công ty BMS đã trúng 4 gói thầu thuộc dự án “Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện vận chuyển, vật tư tiêu hao, hóa chất diệt khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hải Phòng” của Sở Y tế Hải Phòng.

Bao gồm: “Gói thầu số 5: Mua sắm máy truyền dịch, máy hút dịch, bình hút dẫn lưu và bộ khí dung kết nối máy thở” với giá trúng bằng giá gói thầu là 8,1 tỷ đồng; “Gói thầu số 6: Mua sắm hệ thống nội soi phế quản” giá trúng thầu 3,9 tỷ đồng; “Gói thầu số 13: Mua sắm xe ô tô chuyên dùng phun dịch” giá trúng thầu 3,2 tỷ đồng; “Gói thầu số 1: Mua sắm máy thở” giá trúng thầu 15,85 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty BMS còn tham gia và trúng thầu gói thầu số 1: Mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế năm 2020 của Bệnh viện đa khoa Đông Anh với giá trúng thầu 3,23 tỷ đồng (giá gói thầu 3,24 tỷ đồng). Hay trúng gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa năm 2020 thuộc dự án Mua sắm bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa năm 2020 của Bệnh viện T.Ư Quân Đội 108 với giá trúng thầu 1,8 tỷ đồng.

Không chỉ có vậy, với tư cách là nhà thầu Công ty BMS đã tham gia và trúng nhiều gói thầu thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện địa phương khác trên cả nước.

Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc BMS bị khởi tố.

Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc BMS bị khởi tố.

Biến động của nhóm chủ BMS khi bị điều tra

Công ty CP Công nghệ y tế BMS được thành lập năm 2005 với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp. Đến nay doanh nghiệp này đã đổi tên thành Công ty CP Năng lượng và Giá trị Cuộc sống, trụ sở chính tại lô NV – B56 khu Trung Hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Cá nhân ông Phạm Đức Tuấn (1979) còn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật cho 02 doanh nghiệp khác là: Công ty TNHH Energy And Life Value (E&LV) và Công ty CP Khoa học Công nghệ mới BMS (BMS New). Cả 02 doanh nghiệp này còn khá non trẻ.

Công ty BMS New mới được thành lập vào giữa tháng 7/2020, trụ sở chính tại ngõ 196 Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội với số vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Doanh nghiệp này gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Cao Thị Chuyên sở hữu 36,9% cổ phần, ông Phạm Đức Tuấn nắm giữ 62,5% cổ phần và ông Phạm Hồng Nghĩa nắm giữ 0,6% cổ phần.

Còn Công ty E&LV cũng chỉ mới được thành lập vào tháng 3/2020 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật tư và trang thiết bị y tế. Như vậy, nhiều khả năng sự biến động về tên Công ty BMS và của cá nhân ông Phạm Đức Tuần trong việc tham gia thành lập nhiều doanh nghiệp mới cho thấy những ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của “hệ sinh thái” này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về hoạt động của nhóm chủ này tại kỳ báo tới.

Theo Đời sống
back to top