Vụ hacker Nhâm Hoàng Khang: Lỗ hổng an ninh mạng?

Vụ việc bắt hacker Nhâm Hoàng Khang cho thấy, tình trạng an ninh mạng ở Việt Nam có nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công.
bat-nham-hoang-khang.png

Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) vừa bắt hacker Nhâm Hoàng Khang về hành vi xâm nhập dữ liệu mạng máy tính, tống tiền hàng trăm triệu đồng. Theo các chuyên gia, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, làm việc online... khiến an ninh mạng trở nên kém bảo mật, rất dễ bị tấn công.

Dịch Covid-19 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… dữ liệu kém bảo mật

Theo đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra, lập trình viên Nhâm Hoàng Khang (34 tuổi) đã nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web cờ bạc, sau đó đe dọa tố cáo sai phạm đến cơ quan công an; yêu cầu chủ trang web sai phạm phải chuyển 500 triệu đồng. Sau nhiều lần bàn bạc, hai bên thỏa thuận xuống 400 triệu đồng và tiền đã được chuyển.

Sự việc bắt Nhâm Hoàng Khang cho thấy, tình trạng an ninh mạng ở Việt Nam có nhiều lỗ hổng, dễ bị tấn công. Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), 9 tháng năm 2021 đã có 6.156 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Chỉ riêng trong tháng 9 đã có 1.074 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Cục An toàn thông tin cho rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, làm việc online... khiến dữ liệu trở nên kém bảo mật. Các cuộc tấn công an ninh mạng bị tấn công có chủ đích theo nhiều cách thức mới… gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng trên cả nước.

Đại tá Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát An ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho rằng, y tế là lĩnh vực xảy ra nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô và mức độ phức tạp. Sự gia tăng các hoạt động trực tuyến dưới ảnh hưởng của Covid-19 như học trực tuyến, làm việc trực tuyến, thương mại điện tử... thì tấn công mạng gia tăng là điều dễ hiểu.

Theo kết quả thống kê tình hình an ninh mạng trong quý II/2021 từ Kaspersky Security Network, hơn 40,4 triệu sự cố cục bộ trên máy tính người dùng Việt Nam đã bị phát hiện. 26,6% người dùng Việt đã bị tấn công bởi các mối đe dọa từ web, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 33 trên toàn thế giới.

bat-nham-hoang-khang.png

An ninh mạng là nhu cầu cốt lõi

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, sự cố mạng là điều không tránh khỏi. Năm 2020, Việt Nam tổn thất hơn 1 tỷ USD do virus máy tính. Nhưng ngay cả những công ty an ninh mạng hàng đầu hay các tập đoàn lớn, kể cả những cơ quan an ninh như NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ) cũng vẫn có thể bị hack, lộ lọt dữ liệu. Các cuộc tấn công mạng sẽ thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới, không một tổ chức nào có thể khẳng định mình miễn nhiễm. Trung bình mỗi tháng, hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện hơn 15.000 phần mềm gián điệp trên điện thoại di động.

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, làm việc online... Do vậy, trang bị những kỹ thuật bảo mật, xử lý lộ lọt dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh mạng phải được đặt lên hàng đầu. Cần trang bị các giải pháp bảo vệ, giám sát hệ thống để phát hiện các hành vi bất thường.

Tình trạng nhiều hacker vì thiếu hiểu biết pháp luật mà vướng vào vòng lao lý không phải là hiếm. Không ít người trong số họ đã trở thành hacker mũ trắng gồm: Kỹ sư bảo mật Dương Ngọc Thái hiện đang làm việc tại Google; Phạm Thái Sơn hiện là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Ngô Minh Hiếu (Hieupc) cũng là thành viên chủ chốt của chiến dịch Khiên xanh, chuyên gia kỹ thuật NCSC...

Theo Đời sống
back to top