Vụ cháy Công ty Rạng Đông: Công nghệ xử lý ô nhiễm khó và đắt

(khoahocdoisong.vn) - Sau vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đến nay chưa có con số về mức độ ô nhiễm cụ thể, nhưng theo các chuyên gia, đáng lo là công nghệ xử lý ô nhiễm thủy ngân rất phức tạp, tốn kém.

Lo ô nhiễm đất, nước

Sáng 31/8, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) đã phát đi thông báo cảnh báo rủi ro sau vụ cháy nhà kho Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Theo nội dung thông báo, để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân sinh sống quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế. Người dân cần tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng (đối với các hộ dân ở gần Công ty Rạng Đông), không sử dụng nước từ các bể chứa hở. Tạm thời không sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố trên.

Chiều 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông tin kết quả kiểm tra nhanh từ Trung tâm quan trắc Tài nguyên - Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): các chỉ số thủy ngân, chì, kim loại nặng, khí hậu, bụi... đều trong ngưỡng an toàn.

Bộ TN&MT khẳng định, cơn mưa lớn trong đêm 29/8 và ngày 30/9 đã khiến ô nhiễm không khí được “xử lý tự nhiên.” Tuy nhiên, sau cơn mưa, vấn đề đáng lo ngại là ô nhiễm nước mặt và nước ngầm. Đây cũng là nỗi lo của giới chuyên gia, bởi ô nhiễm hóa chất có thể đã trôi theo nước, ngấm vào đất. Vì thế, Bộ khuyến cáo người dân thận trọng khi sử dụng nguồn nước mặt trong khu vực này để sinh hoạt và ăn uống.

Công nghệ khó và đắt

PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Khoa Kỹ thuật Môi trường, ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết việc xử lý ô nhiễm thủy ngân, một loại hóa chất đặc thù, nên không đơn giản. Công nghệ xử lý đất, nước, không khí bị ô nhiễm thủy ngân rất tốn kém, mất nhiều thời gian. Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu cũng như chưa có công nghệ để xử lý tối ưu mà chỉ có một hai dự án được tài trợ để xử lý thử nghiệm ở quy mô nhỏ. Hơn nữa, đến thời điểm này, vẫn chưa biết mức độ ô nhiễm thế nào, lượng hóa chất rò rỉ ra môi trường là bao nhiêu, do đó cũng chưa thể có phương pháp xử lý cụ thể. 

Không khí bị nhiễm thủy ngân cóan toàn hơn sau những trận mưa? Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, chưa thể chắc chắn vì thủy ngân tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Ở dạng bụi, chúng tích hợp với các hạt bụi thì có thể sau mưa, các hạt bụi này sẽ bị cuốn trôi. Nhưng còn ở dạng khí thì như thế nào, đã có đánh giá đo đạc nào cụ thể về mức độ ô nhiễm chưa? Do đó, khó để nói không khí đã thực sự an toàn, dù trời mưa là một tác nhân tốt làm loãng lượng thủy  ngân thất thoát ra ngoài. 

Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Anh Tuấn, cơn mưa đã làm giảm nguy cơ ngộ độc thủy ngân cấp tính. Tuy nhiên, mưa làm thủy ngân trong không khí lắng đọng tại bề mặt đất, nước (sông, hồ), nhà cửa, đường sá, làm tăng nguy cơ ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân, ô nhiễm môi trường. TS Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý, thủy ngân phát tán từ vụ cháy là thủy ngân oxit (thủy ngân vô cơ). Đây là dạng thủy ngân ít độc tính nhất.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, quan trắc thủy ngân, đặc biệt là quan trắc thủy ngân trong không khí là một kỹ thuật khó và đắt. Trước đây, Việt Nam thường phải gửi mẫu ra nước ngoài để thuê hoặc nhờ phân tích. Mấy năm gần đây, nhờ một dự án quan trắc thủy ngân trong không khí ở Đông Nam Á nên Việt Nam có cơ hội tiếp cận và làm chủ kỹ thuật này. Tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở một dự án quan trắc được tài trợ chứ không phải là công nghệ phổ biến, nên việc quan trắc là khó khăn. Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường là đơn vị làm chủ kỹ thuật này. Hiện tại, đơn vị này đã lấy mẫu đất, nước, không khí quanh khu vực xảy ra đám cháy để phân tích.

Về thông tin amalgam được dùng để thay thế thủy ngân có độc hại hay không? Theo các chuyên gia, một khi đã xảy ra sự cố cháy nổ thì viên amalgam với thủy ngân lỏng cũng không có gì khác nhau. Bột amalgam dạng zeolite, một dạng hỗn hợp của thủy ngân (hợp kim của thủy ngân với kim loại khác) làm chất phát quang khi cháy vẫn bị phát tán ra môi trường.

Nên di dời Rạng Đông?

Sự cố cháy ở Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đặt ra vấn đề quản lý các nhà máy sản xuất công nghiệp, có sử dụng hóa chất độc hại được đặt trong các khu dân cư. Theo kế hoạch, đến năm 2020, TP sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội đô. Thế nhưng sau 7 năm triển khai, công tác này vẫn gần như "giẫm chân tại chỗ".

Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đã đến lúc phải lên danh sách tất cả các nhà máy nằm gần trong khu dân cư để đánh giá tác động môi trường, những rủi ro có thể gặp phải, từ đó có các phương án di dời đến những nơi xa dân cư. Doanh nghiệp hoạt động phải theo các quy định về tiêu chuẩn môi trường đã ban hành, nhưng với sự cố xảy ra thì không ai có thể biết trước được. Do đó, các doanh nghiệp như Rạng Đông phải xây dựng lại báo cáo tác động môi trường, trong đó có các kịch bản sự cố có thể xảy ra. Ví dụ phương án 1 là thủy ngân bị phát tán ra ngoài, thì bao nhiêu người dân sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, di dời ra những khu vực an toàn, xa dân cư.

Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đức Lượng cũng cho rằng ở các nước phát triển, các nhà máy sản xuất liên quan đến hóa chất, được quản lý rất nghiêm ngặt ở một khu riêng biệt. Ở Việt Nam cũng có chủ trương này, các khu công nghiệp, khu sản xuất phải cách xa khu dân cư để dễ dàng quản lý rủi ro về môi trường, ô nhiễm. Tuy nhiên có lẽ còn có những vấn đề trong quản lý nên những doanh nghiệp như Rạng Đông vẫn tồn tại ngay giữa những khu dân cư đông đúc.

Lo ngại ô nhiễm Nhà máy nước Hạ Đình

Thông tin cháy nhà xưởng Cty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông khiến người dân lo ngại nguy cơ ô nhiễm Nhà máy nước Hạ Đình nằm ngay gần đó. Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, nhà máy này có thể bị ảnh hưởng một phần và phải tiến hành vệ sinh giàn mưa. Dù vậy, nước cung cấp đến người dân đã qua lọc nên có thể yên tâm. Cơ quan chức năng đã lấy nhiều mẫu ở Nhà máy nước Hạ Đình để phân tích, sẽ công bố khi có kết quả.

Theo Đời sống
back to top