Với con, cha mẹ không chỉ kỳ vọng, mà còn phải kỳ công

(khoahocdoisong.vn) - Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hầu như bố mẹ nào cũng có kỳ vọng đối với con, nhưng song song với kỳ vọng phải là sự kỳ công. Đặc biệt, phải thấu hiểu con chứ không phải chỉ áp đặt.

Bố dùng đũa đâm con tử vong do con bỏ thi giữa kỳ

Chiều 23/3, Công an TP Hải Phòng đã có thông tin chính thức về vụ việc khiến khiến nam học sinh lớp 9 là N.H.K. thiệt mạng tại ngôi nhà trên đường Lê Lợi, phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền,.

Theo đó, Khoảng 20h ngày 22/3, tại nhà riêng của gia đình, ông Cường và con trai N.H.K. (15 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An, quận Ngô Quyền) có mâu thuẫn, to tiếng. Ít phút sau, gia đình nhanh chóng đưa K đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong.

Thông tin xác minh ban đầu cho thấy, nhiều khả năng do ông Cường có sử dụng bia, rượu nên khi cãi nhau đã lỡ tay sát hại con. Sau khi con trai tử vong, người bố đã ra cơ quan công an đầu thú.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an quận Ngô Quyền đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hải Phòng cùng các cơ quan chức năng khác tiến hành khám nghiệm tử thi, thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, do cháu K. bỏ thi giữa kỳ khiến ông Cường tức giận và dùng 1 chiếc đũa ăn cơm đâm 1 nhát vào vùng ngực của con trai làm thủng quai động mạch chủ, dẫn đến sốc mất máu cấp khiến cháu tử vong.

Không đói cơm, đói áo nhưng đói về giáo dục

TS Nguyễn Tùng Lâm.

TS Nguyễn Tùng Lâm.

Vụ việc học sinh tử vong do bị bố dùng đũa đâm ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận về việc dạy con thế nào cho đúng. Nhiều ý kiến chia sẻ, bản thân cũng rất lúng trong việc dạy con. Đã có nhiều lúc thiếu kiềm chế, không thể bình tĩnh được khi chứng kiến con mắc lỗi.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, vụ việc cậu bé bị bố dùng đũa đâm chết chỉ vì bỏ thi giữa kỳ rất đau xót. Đây có thể coi là bài học cho tất cả những ông bố, bà mẹ trong việc dạy con.

Theo ông Lâm, một trong những khó khăn lớn nhất của bố mẹ khi dạy con, đó là rất bố mẹ rất khó kiểm soát cảm xúc, dễ nóng giận, rồi lại trút hết những bực tức lên đầu con.

Muốn khắc phục được điều này, mỗi ông bố bà mẹ cần phải hiểu, sự kỳ vọng phải đi liền với kỳ công, thấu hiểu con (rất tiếc, thực tế nhiều phụ huynh chỉ kỳ vọng, nhưng lại thiếu hoặc không kỳ công...).

Mỗi ông bố, bà mẹ khi nổi giận phải nghĩ đến việc tài sản quý giá nhất của mình là đứa con. Và nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình là giúp đứa con thành công trong cuộc đời, chứ không phải là tức giận, quát mắng đánh đập con mà tạo ra thành công. Khi hiểu được điều này, bố mẹ sẽ lựa chọn được phương pháp đúng để giáo dục con, trong đó, sự thấu hiểu rất quan trọng.

Ví dụ, trong trường hợp con bỏ thi, bố mẹ phải đặt câu hỏi: Vì sao con lại bỏ thi? Là do con học kém môn đó, hay là do vô tình ngủ quên, sợ, không dám vào thi nữa?… Nhưng dù là vì lý do nào, thì phụ huynh phải hiểu rằng, việc khắc phục những lỗi lầm của con, như thi lại môn bỏ thi không khó, có thể xin thầy cô cho thi lại. Nhưng nếu cha mẹ tức giận, không kiềm chế được, thì có thể để lại những hậu quả rất đáng tiếc, không thể làm lại được. Như với ông bố cầm đũa đâm con tử vong này, thì đó sẽ là nỗi đau rất lớn, ân hận suốt đời.

Đặc biệt, cha mẹ cần phải hiểu, mỗi một đứa trẻ có cá tính khác nhau, hoàn cảnh dẫn tới những thiếu sót cũng hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, có 8 loại trí thông minh chứ không phải cứ giỏi văn giỏi toán mới là thông minh. Đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được tôn trọng, cống hiến, sáng tạo, được khẳng định mình. Điều đó sẽ khiến trẻ tự tin, phát triển bản thân.

“Thường chúng ta chỉ khi xảy ra sự việc rồi mới nghĩ đến việc giải quyết. Như vậy là không nên. Thay vào đó phải nghĩ trước những tình huống, giáo dục con trước để tránh những sự cố như vậy. Kỳ công ở đây là sự đồng hành, thấu hiểu con để kịp thời giúp đỡ. Khi có được những bước như vậy thì khi dạy con hay gặp sự cố  mới có thể bình tĩnh được”, ông Lâm chia sẻ.

Theo ông Lâm, ở nhiều gia đình hiện nay không đói cơm, đói áo nhưng đói về giáo dục. Các phương pháp giáo dục con chưa phù hợp, chưa đúng. Nhiều bố mẹ chưa hiểu sự phát triển tâm sinh lý của con mình. Từ lớp 1 đến lớp 3; Từ lớp 4 đến lớp 5 là trẻ đã có những sự phát triển tâm sinh lý khác nhau. Đặc biệt, đến cấp 2, trẻ có sự thay đổi, biến động rất lớn cả về thể chất lẫn tâm sinh lý. Ở tuổi dậy thì, đôi khi các con không làm chủ được hành vi của mình. Nhiều bố mẹ cho rằng, mình đẻ con ra là biết hết về con là không đúng. Thay vì thấu hiểu con lại áp đặt ý chí chủ quan của mình lên con, đó là sai lầm, là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng.

Về việc “kỳ công” có phải là phụ huynh có cần đồng hành, học cũng con không, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, khi các con còn nhỏ, thì cha mẹ cần học cùng con. Nhưng từ lớp 5 trở lên, cần phải rèn con tính tự lập, tự chủ. Và cha mẹ phải chấp nhận từng bước tiến bộ của con, chứ không thể đòi hỏi con ngay lập tức phải thay đổi, tiến bộ ngay.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top