Võ Văn Dũng - người cuối cùng chiến đấu cho vương triều Tây Sơn

(khoahocdoisong.vn) - Võ Văn Dũng - người cuối cùng chiến đấu cho vương triều Tây Sơn. Vừa có tài vừa có chí, ông được liệt là một trong Tây Sơn thất hổ tướng và là một trong Tứ kiệt.

Giấu kín võ công

Vũ Văn Dũng hay Võ Văn Dũng (-1802) thuở nhỏ có tên là Độ, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, trước năm 1975 là thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Theo gia phả họ Võ do Võ Thừa Khuông di duệ đời thứ 9 soạn trên cơ sở những tài liệu cũ thì thuỷ tổ của họ Võ ở Phú Mỹ là Võ Văn Của, vốn quê gốc ở Nghệ An đến lập nghiệp tại thôn Phú Mỹ từ thế kỉ thứ XVII.

Đời thứ hai là Võ Văn Thọ, gia thế đã tương đối khá giả nên đã xuất tài lực tổ chức việc đắp đập Lộc Đổng và đắp nhiều đập khác dẫn nước vào ruộng đồng, mở mang kinh tế nông nghiệp không chỉ cho Phú Mỹ mà còn cho cả nhiều làng khác trong vùng.

Đời thứ ba Võ Văn Khanh là người tài trí, có công huân với nhà nước từng được phong tước nam. Võ Văn Khanh kết duyên cùng Nguyễn Thị Điểm sinh hai nam là Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng.

Từ nhỏ, cha mẹ Võ Văn Dũng đã rước thày về dạy văn dạy võ. Tương truyền, văn thì tối, còn võ thì dạy đâu nhớ đấy và phải đổi thày nhiều lần. 20 tuổi, Võ Văn Dũng theo người buôn ngựa vào Phú Yên, duyên may gặp được lão ông họ Lương ở Tuy Hoà dạy cho môn trường kiếm và môn đoản đao, dạy cách đánh trên đất, đánh trên ngựa, một lúc dùng cả hai môn binh khí đao kiếm.

Kế thừa truyền thống thượng võ của quê hương và sự nỗ lực rèn luyện của bản thân nên Võ Văn Dũng rất giỏi võ nghệ. Trong quân Tây Sơn bấy giờ thường truyền tụng câu nói về tài nghệ của Võ Văn Dũng: Võ Văn Dũng quán quân - Bách chiến khởi Tây thùy; nghĩa là: Tiếng tăm Võ Văn Dũng trùm khắp ba quân - Trăm trận đánh nổi lên từ bờ cõi phương tây.

Còn Nguyễn Nhạc khi xem Võ Văn Dũng múa đại đao đã ca ngợi: Phá Sơn trung tặc dị - Thắng Văn Dũng đao nan; nghĩa là: Phá giặc ở trong núi thì dễ - Thắng được cây đao của Võ Văn Dũng thì khó. Theo lời thày dặn, Võ giấu kín võ công, ngoài Nguyễn Nhạc là bạn thân thiết, không ai biết Võ Văn Dũng là hàng cao thủ.

Tham gia nghĩa quân Tây Sơn ngay từ buổi đầu

Khi Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn năm 1771, Võ Văn Dũng tham gia ngay từ buổi đầu. Theo lời truyền khẩu của dân Phú Mỹ và một vài sách khác thì Võ Văn Dũng và Nguyễn Nhạc là đôi bạn thân và tuổi tác cũng xấp xỉ nhau.

Theo TS Đinh Văn Liên thì Võ Văn Dũng học văn và võ tại trường thày giáo Trương Văn Hiến, đồng môn với ba anh em Tây Sơn cho đến khi cha mẹ ông đều lần lượt qua đời ông mới phải bỏ nhà đi kiếm sống. Làm tướng cướp một thời gian thì bất ngờ gặp Nguyễn Huệ. Nghe lời chiêu dụ ông về đầu quân Tây Sơn.

Lực lượng Tây Sơn xuất phát từ mật khu An Khê. Đạo quân do Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc thống lĩnh kéo xuống hướng đông tiến chiếm lị sở Tuy Viễn rồi kéo đại binh đánh thành Quy Nhơn. Đạo quân thứ hai do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế tại thành Quy Nhơn, phong Võ Văn Dũng làm Đại tư khấu. Vừa có tài vừa có chí, ông nhanh chóng trở thành một tướng lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn được người đương thời liệt là một trong Tây Sơn thất hổ tướng và là một trong Tứ kiệt.

(còn nữa)

Theo Đời sống
back to top