Vỡ dị dạng động tĩnh mạch não dễ đột quỵ và tử vong

Dị dạng động tĩnh mạch não không chỉ gây đau đầu, động kinh…mà còn có nguy cơ vỡ khối dị dạng từ 2 – 4%, gây chảy máu não, đột quỵ. Sớm nhận biết bệnh và có phương án điều trị tránh nguy hiểm tới tính mạng.

Ảnh minh họa.

Hôn mê bại liệt

Dị dạng động tĩnh mạch não là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não.

Bệnh phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 45 trở xuống trong 3 tình huống: chảy máu não (50 – 60%), đau đầu, động kinh (40 – 45%), hoặc tình cờ (5 – 10%). Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60 – 70 tuổi).

Khi chưa vỡ dị dạng động tĩnh mạch não: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại-liệt tay chân… Cũng có thể không có triệu chứng gì, được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch não vì lý do khác.

Khi bị vỡ dị dạng động tĩnh mạch não: gây đột quỵ chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện. Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện: đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại-liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được…

Cách chẩn đoán

Bệnh nhân dị dạng động tĩnh mạch não có nguy cơ bị vỡ hàng năm khoảng 2 – 4% (kể cả trẻ em) bị do vỡ khối dị dạng. Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh gây chảy máu não, đột quỵ – tai biến mạch máu não, bệnh nhân có thể tử vong gây tức thì.

Vì vậy, nếu nghi ngờ bệnh dị dạng động tĩnh mạch não, bệnh nhân cần được chụp cộng hưởng từ não và mạch máu não (MRI và MRA) hoặc cắt lớp vi tính (CT) (đặc biệt nếu có CT đa lớp cắt MSCT là tốt nhất) để phát hiện tổn thương. Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) là cần thiết để đánh giá chi tiết hình thái cấu trúc dị dạng mạch máu não.

Mỗi dạng đột quỵ não được chẩn đoán và điều trị theo một quy trình khác nhau. Bệnh nhân có biểu hiện bị đột quỵ não cần được đưa ngay đến bệnh viện tỉnh, thành phố gần nhất để được khám xét, xử trí cấp cứu rối loạn hô hấp, tim mạch và chụp CT não cấp cứu (CT não là biện pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên phải làm để biết là nhồi máu não hay chảy máu não).

Nếu có chảy máu não, các bác sỹ sẽ xác định loại chảy máu não, dự đoán nguyên nhân để có hướng xử trí đúng. Nếu chảy máu nhu mô não do vỡ các mạch nhỏ trên bệnh nhân tăng huyết áp, vữa xơ động mạch thì không cần chụp mạch máu não.

Ngược lại, nếu nghĩ đến chảy máu do bệnh của mạch máu não (phồng động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch não) thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt để chụp mạch não (DSA) và can thiệp điều trị cấp cứu.

Điều trị

Chụp DSA mạch máu não là bắt buộc để chỉ định phương pháp điều trị. Mục tiêu điều trị Dị dạng động tĩnh mạch não là loại bỏ khối dị dạng ra khỏi tuần hoàn não.

Hiện nay có 3 phương pháp điều trị: Phẫu thuật mở: mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng; Phẫu thuật tia xạ: không mổ, dùng chùm tia xạ chiếu từ ngoài làm tổn thương các tế bào thành mạch bệnh lý, làm hẹp dần và tắc các mạch dị dạng; Và can thiệp nội mạch: không mổ, dùng ống thông nhỏ đi qua động mạch đùi lên não, sử dụng chất gây tắc là keo (glue) hoặc Onyx để bơm tắc dị dạng động tĩnh mạch qua ống thông (nút mạch).

Thông thường những dị dạng nhỏ < 3cm và cấu trúc đơn giản, có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp nút mạch. Những dị dạng lớn hơn và cấu trúc phức tạp thường được điều trị phối hợp các phương pháp.

Với các trường hợp này, các bác sỹ thường nút mạch trước để làm giảm bớt kích thước dị dạng, sau đó phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật tia xạ. Tùy tình trạng toàn thân và tổn thương của mỗi bệnh nhân, phương pháp và kế hoạch điều trị sẽ được lựa chọn một cách phù hợp nhất.

TS Lê Văn Trường

(Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top