Vỡ đại tràng vì táo bón

(khoahocdoisong.vn) - Táo bón là bệnh phổ biến trong xã hội, nhất là đối với người cao tuổi. Mọi người cho rằng, táo vài ngày rồi hết, già rồi nhu động ruột yếu thì táo bón là đương nhiên, tuy nhiên táo bón là cầu nối cho nhiều bệnh khác nên càng cao tuổi càng phải chú ý.

Ông N.V.L. (Hưng Yên) tuổi cao, hay bị táo bón. Ông L. mắc nhiều bệnh mạn tính cùng lúc như tim mạch, huyết áp, dị ứng, gan thận yếu… ông đi đứng chậm chạp nên lười vận động. Cả ngày ông chỉ ngồi hoặc nằm ở nhà nên bệnh táo bón càng có cơ hội phát triển. Biết mình nhiều bệnh, nhờ con cháu nhiều thì ngại nên lần này ông cố chịu. Thế rồi bụng ông trướng căng, phải nhập viện và phẫu thuật vì vỡ đại tràng do táo bón lâu ngày.

Lời bàn: BS Tuấn Anh (TP Huế) cho biết, táo bón là bệnh phổ biến, nhất là đối với người cao tuổi. Mọi người cho rằng, táo vài ngày rồi hết, già rồi nhu động ruột yếu thì táo bón là đương nhiên, tuy nhiên táo bón là cầu nối cho nhiều bệnh khác nên càng cao tuổi càng phải chú ý. Táo bón có mấy thể gồm: Táo bón chức năng do ăn ít chất xơ, uống ít nước, ít tập thể dục, uống nhiều loại thuốc trị nhiều loại bệnh mãn tính; Do giảm nhu động đại tràng, đại tràng ít co bóp; Do hội chứng tắc nghẽn đường ra hoặc kèm giảm nhu động đại tràng… Tùy từng loại táo bón mà có cách chữa riêng. Tuy nhiên, để phòng tránh bệnh, người cao tuổi phải bổ sung chất xơ thường xuyên, uống đủ nước, tập vận động dù chỉ là đi lại trong nhà. Khi gặp hiện tượng này không nên cố chịu mà nên gặp bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn cũng như thuốc uống chứ không nên để đến nỗi vỡ đại tràng phải phẫu thuật.

Theo Đời sống
back to top