VN-Index lập mốc lịch sử mới

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 1/4/2021 trở thành cột mốc mới trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index không chỉ vượt mà còn vượt xa đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm thiết lập hồi tháng 4/2018.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự "bùng nổ" trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, với các chỉ số bứt phá mạnh mẽ. Dòng tiền đã rời bỏ nhóm cổ phiếu "nóng" có mệnh giá thấp, đổ dồn vào nhóm bluechip giúp cho VN-Index bước lên đỉnh cao nhất sau 20 năm. Kết phiên, VN-Index tăng tới 24,66 điểm, tương đương 2,07%, lên 1.216,1 điểm. Toàn sàn HoSE có 334 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 106 mã giảm giá. 1 năm trước, chỉ số này đang ở vùng "đáy" dưới 700 điểm.

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người, nhất là giới trẻ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Khi có tiền nhàn rỗi, nhiều người tham gia vào lĩnh vực này bởi lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng thấp. Bên cạnh đó, giới trẻ cho rằng lĩnh vực này đang dễ kiếm lời, thậm chí có người lãi gấp vài ba lần so với vốn gốc chỉ trong thời gian ngắn.

Dòng tiền đồ về chứng khoán dồi dào cùng tâm lý tích cực chung trên toàn thị trường đã kéo các chỉ số bật lên. Sáng ngày 1/4, sự khởi sắc từ sớm của nhóm bluechip, nhất là các mã trong rổ VN30 xanh áp đảo đã giúp thị trường bật tăng và dần nhích lên trên 1.205 điểm. Động lực từ nhóm bluechip lan tỏa sang các mã vừa và nhỏ giúp cho nhóm này theo sóng tăng mạnh trong giờ đầu mở cửa. Phiên chiều, đà tăng của VN-Index  được nới rộng lên hơn 2% với mức tăng gần 25 điểm, lên và neo lại ở 1.216 điểm. Trong khi đó, VN30-Index tăng gần 30 điểm lên 1.226 điểm. Sắc xanh chiếm áp đảo thị trường. Thị trường phá đỉnh, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE ở mức cao, trên 15.200 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 24,66 điểm (2,07%) lên 1.216,1 điểm và đây cũng là mức cao nhất của VN-Index trong lịch sử hơn 20 năm qua. Diễn biến tương tự, HNX-Index đóng cửa tăng 2% lên 292,4 điểm và UPCom-Index tăng 0,38% lên 81,73 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì mức rất cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Giao dịch khối ngoại cũng khá tích cực khi họ trở lại mua ròng 45 tỉ đồng trên HoSE, lực mua tập trung vào các Bluechips như VIC, HPG, STB, MSN…

Tuy nhiên, một số cổ phiếu thị trường được làm công cụ lướt sóng trong thời gian trước như FLC, ROS, DLG không còn thu hút được dòng tiền nên đã đi ngược lui về mức sàn. Đáng chú ý nhất là trường hợp của FLC khi thị giá cổ phiếu này giảm tới 5,5%. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 10 phiên tăng liên tiếp, trong đó có tới 7 phiên tăng kịch trần.

Theo Theo KH&ĐS
back to top