VN-Index giảm sâu nhất trong 19 năm qua

(khoahocdoisong.vn) - Đầu tuần, giá dầu giảm, hàng loạt ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam đã khiến tâm lý thị trường hoảng loạn bán tháo, VN-Index giảm sâu. Áp lực bán diện rộng khiến VN-Index rơi thẳng xuống dưới mốc 850 điểm ngay phiên đầu tiên, mức thấp nhất kể từ năm 2002 đến nay.

Thị trường giảm là điều dự báo khi bước vào phiên giao dịch sáng nay sau khi các thông tin về các ca nhiễm Covid -19 mới liên tục đưa ra trong 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, áp lực xả hàng ồ ạt trong khi lực cầu tham gia khá yếu đã khiến hàng trăm mã mất điểm. Nhiều mã lớn bé bị đẩy xuống mức giá sàn, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm mạnh. Diễn biến thị trường tiếp tục tiêu cực hơn về cuối phiên khi có thêm nhiều mã lao dốc khiến chỉ số VN-Index nới rộng hơn biên độ giảm, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Tạm dừng phiên sáng ngày 9/3, chỉ số VN-Index giảm 51,59 điểm (5,79%) xuống 839,85 điểm; HNX-Index giảm 6,12% xuống 106,69 điểm và UPCom-Index giảm 4,45% xuống 52,95 điểm. Thanh khoản thị trường tăng lên khá mạnh với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 4.200 tỷ đồng. Hàng loạt cổ phiếu lớn như BVH, CTG, DPM, GAS, STB, VCB, HVN, PLX, PNJ, BID, SSI, MWG,…đều giảm sàn khiến thị trường không có lực đỡ.

Bước vào phiên chiều, diễn biến không mấy tích cực. Thanh khoản sàn HOSE lên đến 5.470 tỉ đồng và HNX lên đến 893 tỉ đồng nhưng dòng tiền này không thấm vào đâu. Lực bán mạnh đẩy hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. Rổ VN30 hiện chìm đắm trong sắc đỏ với áp lực bán tháo từ nhà đầu tư. Cụ thể, 1 nửa số cổ phiếu trong rổ này đều đồng loạt nằm sàn, điển hình CTD, CTG, GAS, PLX… Các cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng không thể hỗ trợ thị trường trước sức ép quá lớn từ bên bán và đồng loạt nằm sàn.

Kể từ năm 2002, VN-Index mới có phiên "thảm họa" như ngày 9/3, mất đi 56 điểm và gần hết biên độ cho phép. Hy vọng rằng, lượng margin không quá lớn hiện tại sẽ không ép thị trường rớt mạnh ở những phiên tiếp theo, đồng thời, thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đóng vai trò thực sự của mình khi giúp giảm thiểu rủi ro cho thị trường cơ sở. Tuy nhiên, cú sốc giảm sâu này đã để lại “di chấn” khiến P/E của VN-Index giảm xuống 13,06 lần thấp hơn nhiều so với các thị trường Indonesia, Thái Lan, Philipines.

Không chỉ riêng khối nội, các nhà đầu tư ngoại tăng cường bán ra. Khối này tăng cường rút tiền hơn trong phiên chiều ngày 9/3 khiến giá trị bán ròng lên 200 tỉ đồng trên HOSE. Tâm điểm là các mã MSN (70 tỉ đồng) và VIC (57 tỉ đồng).

Diễn biến khó lường của dịch Covid-19, cùng việc giá dầu Thế giới lao dốc mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường tài chính Thế giới. Chỉ số Dow Jones future giảm hơn 1.200 điểm (-4,9%), các chỉ số chứng khoán Châu Á như Nikkei 225, Kospi, S&P/APX 200… cũng đều giảm sâu từ 4-5%.

Theo Đời sống
back to top