VN-index bùng nổ: Kẻ khóc, người cười

(khoahocdoisong.vn) - 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số chứng khoán đạt đỉnh lịch sử, công ty chứng khoán kiếm khá tiền từ lãi nghiệp vụ. Thế nhưng, bên cạnh một số công ty báo lãi kỷ lục, không ít công ty lội ngược dòng báo lỗ.

Công ty chứng khoán lãi lỗ ngược chiều

6 tháng đầu năm 2021, số tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, vượt 3,7 lần năm 2020. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng rất mạnh, giao dịch nhiều phiên đạt trên 32.000 tỷ đồng. Chứng khoán Việt nửa đầu năm và đặc biệt trong quý 2/2021 chứng kiến đà bứt phá của hàng loạt các chỉ số, VN-Index vượt xa mốc 1.400 điểm dễ dàng. Giá trị giao dịch bình quân tính riêng trong quý 2 đã tăng thêm 38% lên mức 26.300 tỷ đồng. Sự bùng nổ của thị trường đã góp phần đem đến kết quả kinh doanh ấn tượng của hàng loạt các công ty chứng khoán (CTCK), đặc biệt là nhóm dẫn đầu như TCBS, VND, VPS, SSI...

Doanh thu của các hoạt động môi giới, cho vay margin, tự doanh ghi nhận kết quả ấn tượng, lãi thu được tăng so với cùng kỳ. Theo thống kê, tổng doanh thu bán niên tại 36 công ty chứng khoán cán mốc 24.861 tỷ đồng, trong đó lãi trước thuế ở mức 11.242 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2020. Đáng chú ý, một số công ty chứng khoán đã gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ đồng chỉ sau nửa đầu năm 2021.

Chẳng hạn, chứng khoán Techcombank (TCBS) ghi nhận doanh thu tăng 3,5 lần trong quý 2/2020, đạt 413 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 801 tỷ đồng, tăng 31,7%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, TCBS ghi nhận 1.475 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo tài chính riêng quý 2/2021, Công ty CP Chứng khoán VnDirect (mã chứng khoán VND) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bứt phá so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong kỳ của VND ghi nhận 1.091 tỷ đồng, tăng 166% so với quý 2/2021. Kết thúc quý 2/2021, VnDirect lãi sau thuế 389 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với quý 2/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, VnDirect ghi nhận lãi 904,6 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trái với kết quả kinh doanh khả quan của TCBS, VND, SSI... một số công ty chứng khoán đi ngược lại sự sôi động của thị trường với kết quả kinh doanh khá tệ.

Chứng khoán Đại Việt (DVSC) bất ngờ báo lỗ gần 4,2 tỷ đồng trong quý 2/2020. Trước đó, DVSC đã có 4 quý lãi liên tiếp. Trong quý 2, doanh thu của công ty chứng khoán này đạt 20 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động lại tăng vọt lên mức 22 tỷ đồng, gấp 5 lần quý 2/2020. Mảng tự doanh và môi giới đều thua lỗ. Doanh thu môi giới dù tăng 88% so với cùng kỳ và ở mức 1.202 tỷ đồng nhưng chi phí nghiệp vụ này lên đến hơn 1.455 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, DVSC ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 37,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ thu về khoản lãi ròng gần 2,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến gần 34,2 tỷ đồng.

Chứng khoán VPS - công ty hàng đầu về thị phần môi giới cũng ghi nhận lỗ đậm mảng tự doanh. Quý 2/2021, VPS ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 947 tỷ đồng, lỗ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ 982 tỷ đồng. Do đó, công ty này lỗ mảng tự doanh 35 tỷ đồng. Trong đó, lãi bán các tài sản tài chính 686 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính 972 tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, VPS lỗ tự doanh 17 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính lên đến 449 tỷ đồng.

Thị trường cuối năm sẽ khó khăn hơn?

Tính đến tháng 6/2021, VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự 1.400 và đóng cửa ở 1.408,55 điểm - mức đỉnh mọi thời đại. Kể từ đầu năm, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 27,6%, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng mạnh trên thế giới.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm dự báo sẽ khó khăn hơn cho các công ty chứng khoán. SSI Research cho biết, thực tế, đà tăng trưởng của nhiều công ty đã bắt đầu chậm lại trong quý gần đây. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đang bước vào mùa “thấp điểm” khi mà chỉ số Vn-Index dần lùi về mốc 1.200 điểm, thanh khoản mỗi phiên cũng thấp hơn do cú sốc Covid-19 gây tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư.

Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở 620.000 tài khoản mới, vượt 50% so với cả năm 2020, thì 6 tháng cuối năm con số này dự kiến ở mức thấp hơn với khoảng 300.000 tài khoản. Dòng tiền F0 thận trọng sẽ khiến hoạt động môi giới, cho vay margin của các công ty chứng khoán cũng co lại.

Mặc dù kỳ vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2022 nhờ phí môi giới và cho vay ký quỹ, song SSI Research cho rằng động lực hiện tại của thị trường có thể giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 sau khi tăng mạnh trong nửa đầu năm – tạo áp lực giảm thu nhập từ mảng tự doanh.

“Rủi ro chính của ngành còn là biên lợi nhuận giảm đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm cho vay và môi giới chứng khoán, do áp lực cạnh tranh gay gắt. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và giá cổ phiếu giảm có thể dẫn đến thanh khoản thị trường và lợi nhuận giảm” - SSI Research nhấn mạnh.

Theo Yuanta Việt Nam, với mức P/E của chỉ số VN-Index hiện ở mức 18,2 lần cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn định giá rẻ. Việc lựa chọn cổ phiếu sẽ trở nên khó khăn hơn trong giai đoạn tới.

KBSV cũng dự báo mức điểm phù hợp của chỉ số VN-Index vào thời điểm cuối năm là 1.480 điểm, tương ứng P/E (hệ số giá trên thu nhập) năm 2021 khoảng 18 lần và tỷ suất lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) 2021 bình quân các doanh nghiệp trong rổ VN-Index tăng 13% so với mức hiện tại.

Trong bối cảnh môi trường lãi suất dự báo vẫn được duy trì thấp trong năm 2021, hệ thống giao dịch nâng cấp của HOSE được vận hành từ 5/7, cộng thêm nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ cao sẽ được giải quyết nhờ việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu… sẽ là những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường kỳ vọng có sự tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Theo Đời sống
back to top