Vĩnh Phúc: Bí đất chơi golf, lấy đất rừng bù

(khoahocdoisong.vn) - Được chấp thuận từ năm 2003 với quy mô gần 300ha tại huyện Mê Linh (nay là TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), dự án sân golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội đến nay chưa hoàn thành. Tuy nhiên, dự án này được thực hiện với không ít lần vượt rào của cơ quan sở tại.

Thủ tướng chưa cho, tỉnh quyết trước

Dự án sân golf Đại Lải (nguyên là dự án đầu tư xây dựng sân Golf và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư theo Quyết định 369/QĐ-UB ngày 12/2/2003. Địa điểm thực hiện tại khu B Đại Lải, xã Ngọc Thanh, huyện Mê Linh (nay là TP Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc, tổng diện tích đất dự án là 349,3ha. Chủ đầu tư – doanh nghiệp thực hiện dự án - Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam được thành lập ngày 6/1/2003, 1 tháng trước khi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 4/2003, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định 1278/QĐ-UB, thu hồi 349,3ha đất (trong đó có 191,77ha đất lâm nghiệp) sang làm sân golf. Tại thời điểm bị thu hồi, 147,3ha đất lâm nghiệp này đang do Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp (KHLN) Đông Bắc Bộ quản lý, sử dụng.

Tới tháng 11/2003, tỉnh điều chỉnh quyết định này, giảm diện tích thu hồi xuống còn 298,85ha đất, trong đó đất lâm nghiệp thu hồi 147,3ha; đất nông nghiệp 89,82ha, đất ở 26,12ha... để thực hiện dự án sân golf. Ba năm sau, tháng 12/2006, tỉnh Quyết định giao 283,85ha đất cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện dự án sân Golf, giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh 15ha đất thương phẩm.

Lưu ý là, ngày 25/2/2004, tức gần một năm sau khi tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thu hồi 191,77ha (sau đó giảm xuống còn 147,3ha) đất lâm nghiệp để làm sân golf, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 216/QĐ-Ttg, nội dung cho phép chuyển mục đích sử dụng 147,3ha đất lâm nghiệp này sang làm sân golf. Nói cách khác, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi đất rừng làm sân golf trước cả khi Thủ tướng đồng ý cho thu hồi đất này. Sau này, năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tái diễn việc lấy đất rừng cho dự án sân golf, trước khi xin ý kiến Thủ tướng. Và lấy thêm tới 23,53ha rừng đặc dụng, nâng tổng số đất rừng bị thu hồi cho dự án sân golf Đại Lải lên 170,83ha, tất cả đều là thu hồi trước khi Thủ tướng cho phép.

Tháng 3/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định 678/QĐ-CT, phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp khoảng 33.054ha, bao gồm: rừng đặc dụng 15.213,53ha; rừng phòng hộ 4.110,61ha; rừng sản xuất 13.730,47ha. Trong đó, diện tích 147,3ha rừng trồng nghiên cứu khoa học đã được điều chỉnh ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để thực hiện dự án sân golf.

Vĩnh Phúc thu hồi thêm 23,53ha đất rừng đặc dụng cho sân golf Đại Lải

Vĩnh Phúc thu hồi thêm 23,53ha đất rừng đặc dụng cho sân golf Đại Lải

Lần thứ hai thu trước

Ngày 3/3/2011, tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định 588/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 4/4/2018, tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định 770/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ thời điểm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng có hiệu lực thi hành (1/4/2005) đến 4/4/2018, tỉnh Vĩnh Phúc mới phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng này là không thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án sân golf đối với phần diện tích đất rừng của Trung tâm KHLN Đông Bắc Bộ gồm 5 đợt, với tổng diện tích gần 171ha. Trong đó, đất đã có quyết định thu hồi, giao đất là 147,3ha, đất chưa có quyết định thu hồi (đã có thông báo thu hồi đất) là 23,53ha.

Ở đợt 2, theo Quyết định 2406/QĐ-CT ngày 31/8/2007 của UBND tỉnh, trung tâm KHLN Đông Bắc Bộ được bồi thường cây rừng trên diện tích 15,2ha (rừng trồng từ nguồn vốn ngân sách), Công đoàn Trung tâm KHLN được bồi thường cây rừng trên diện tích 1,2ha (cây và tài sản trên đất).

Tổng cục Lâm nghiệp xác định, “tại thời điểm UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường GPMB để thực hiện dự án (31/8/2007) thì rừng chưa được chuyển mục đích sử dụng; việc chuyển mục đích sử dụng rừng trên thực tế phải được diễn ra sau ngày 31/8/2007”.

Đáng chú ý, thời điểm tháng 3/2018, khi phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Vĩnh Phúc chưa phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tới giữa năm 2018, việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã hoàn thành, nhưng chủ đầu tư sân golf chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP, Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT và Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 24/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Đợt 3, ngày 22/10/2014, UBND thị xã Phúc Yên phê duyệt bồi thường GPMB cho dự án. Theo đó, Trung tâm KHLN Đông Bắc Bộ được bồi thường trên diện tích 31ha rừng trồng. Nhưng thời điểm đó (22/10/2014), rừng chưa được chuyển mục đích sử dụng. Tới giữa năm 2018, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam mới khai thác 1,79ha rừng và đang thi công các hạng mục sân golf. Có tới 29,21ha rừng còn lại chưa chuyển mục đích sử dụng. Một lần nữa, chủ đầu tư dự án tiếp tục chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.

Nghiêm trọng hơn, tại đợt 5 (cuối năm 2015), để bổ sung diện tích đất giao cho chủ đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép hoán đổi 26,13ha đất rừng đất đặc dụng của Trung tâm KHLN lấy diện tích đất lâm nghiệp ở vị trí khác (để không thu hồi đất khu dân cư). Bộ NN&PTNT đã đồng ý về chủ trương, nhưng đề nghị thực hiện theo đúng quy định pháp luật (tháng 5/2016). Nhưng tới tháng 10/2016. UBND tỉnh thông báo (số 177/TB-UBND) thu hồi diện tích đất này để làm sân golf, khi chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.

Lưu ý, 23,53ha đất rừng đặc dụng này là thu hồi thêm và nằm ngoài diện tích 147,3ha đất lâm nghiệp đã thu hồi trước đó, khi chưa có quyết định chấp thuận của Thủ tướng. Nói cách khác, là trong cả hai lần thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp cho dự án sân golf Đại Lại, tỉnh Vĩnh Phúc đều thực hiện trước khi Thủ tướng chấp thuận.

Ông chủ Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam là ai và vì sao một dự án sân golf lại khiến tỉnh Vĩnh Phúc vội vàng đến thế khi thực hiện thủ tục, dù công ty này thực hiện dự án rất chậm, tới năm 2018 vẫn chưa hoàn thành theo đúng quy định? Đó là những vấn đề KH&ĐS sẽ làm rõ trong một bài báo khác.

Theo Đời sống
back to top