Viết theo yêu cầu bạn đọc: Dị ứng thức ăn, tại sao lúc có lúc không?

(khoahocdoisong.vn) - Sao có lúc tôi ăn cá biển bị nổi mày đay ngứa muốn chết, mà có lúc không bị? Sao em ăn tôm dưới 5 con không sao, mà em ăn tới con thứ 5 là em ngứa cùng mình? Sao em ăn chay, chỉ ăn chao với rau, nấm mà cũng ngứa?

Ngứa có phải là do mày đay?

Có đến 20 - 30% dân số từng một lần trong đời bị mày đay gây ngứa ngáy. Nhưng chúng ta cần phân biệt cái ngứa đó có phải là mày đay hay không. Mày đay là da bị nổi các mẩn đỏ, có thể sưng thành cục hay mảng, ngứa nhiều. Nó có thể nổi từ đầu tới chân.

Mày đay là da bị nổi các mẩn đỏ, có thể sưng thành cục hay mảng, ngứa nhiều. (nguồn internet)

Mày đay là da bị nổi các mẩn đỏ, có thể sưng thành cục hay mảng, ngứa nhiều. (nguồn internet)

Nhưng đặc tính của mày đay là các nốt mẩn ngứa sẽ lặn mất trong vòng 24 giờ, không để lại dấu vết gì trên da, trừ vết trầy xước do cào gãi. Còn các trường hợp ngứa, rát, đau nhức và vết lạ trên da kéo dài hơn 24 giờ, người bệnh cần đi khám ngay.

Mày đay chỉ là một triệu chứng và có rất nhiều nguyên nhân gây ra, chứ không phải chỉ là do dị ứng thức ăn. 

Mày đay có thể do dị ứng (thức ăn, thuốc, yếu tố dị ứng trong không khí...), do nhiễm trùng mạn tính trong người, do bệnh tự miễn, do bệnh viêm mạn tính, do bệnh tuyến giáp...

Mày đay còn có thể do các yếu tố vật lý bên ngoài như nhiệt độ nóng, lạnh, tiếp xúc với nước, ánh nắng mặt trời, rung lắc, cọ xát, tì đè. Nhiều trường hợp không biết nguyên nhân, thường gặp ở mày đay mạn tính (là mày đay xuất hiện hầu như mỗi ngày và kéo dài trên 6 tuần).

Nổi mày đay do thức ăn có 2 nguyên nhân: dị ứng và bất dung nạp thức ăn.

Nổi mày đay do thức ăn có 2 nguyên nhân: dị ứng và bất dung nạp thức ăn. (Nguồn: internet)

Nổi mày đay do thức ăn có 2 nguyên nhân: dị ứng và bất dung nạp thức ăn. (Nguồn: internet)

- Dị ứng là khi cơ thể bắt đầu sản xuất ra kháng thể IgE kháng lại thức ăn đó. Kháng thể này là nguyên nhân khiến cho tế bào miễn dịch trong cơ thể bị kích động, phóng thích các hóa chất trung gian của chúng ra bên ngoài (trong đó có histamine), làm nổi mày đay.

- Còn bất dung nạp là do các "hóa chất" tự nhiên hay nhân tạo bên trong thức ăn không được chuyển hóa tại ruột, hay gan, hoặc do chất đó nhiều quá không được chuyển hóa hết, khiến cơ thể có triệu chứng, giống như dị ứng, cũng là nổi mày đay, có thể đau bụng, nôn ói, tiêu chảy...

Nhiều yếu tố tác động đến dị ứng khi ăn

Nếu cơ thể dị ứng với thức ăn nào đó, gần như mỗi lần ăn, chúng ta đều có thể có triệu chứng. Tuy nhiên, thực ra, tính dị ứng của thức ăn phụ thuộc nhiều yếu tố:

- Lượng thức ăn: nếu lượng thức ăn ít, dị nguyên chỉ có thể gây ra tác dụng tại chỗ (ví dụ như ruột), mà  không đủ đi vào máu, chạy khắp cơ thể để làm nổi mày đay.

- Cách chế biến thức ăn: Có một số loại thức ăn khi càng chế biến thì tính dị ứng càng nhiều, tức là các đoạn peptide gây dị ứng bị phơi bày do nhiệt làm biến tính protein thức ăn. Cũng có một số loại thức ăn khi chế biến nhiệt, các đoạn peptide gây dị ứng bị biến đổi, bị cắt đứt, nên không còn gây dị ứng nữa. Do đó, có thể ta ăn thức ăn chế biến luộc thì dị ứng, mà nướng lên nhiệt độ cao lại không bị, hoặc ngược lại. 

Các loại thịt, đặc biệt là cá và hải sản, khi không được bảo quản đúng cách sẽ bị "phân hủy" theo thời gian, tạo ra histamine có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng. (nguồn internet)

Các loại thịt, đặc biệt là cá và hải sản, khi không được bảo quản đúng cách sẽ bị "phân hủy" theo thời gian, tạo ra histamine có thể dẫn đến nguy cơ dị ứng. (nguồn internet)

-  Khả năng hấp thu của ruột: Một số tác nhân làm ruột của chúng ta hấp thu nhiều hơn, nên lượng dị nguyên thức ăn được vào máu nhiều hơn. Ví dụ như rượu, bia, thuốc kháng viêm không steroid, vận động thể lực. Cho nên, nhiều người ăn khi đang nhậu, hoặc ăn sau khi tập thể dục lại nổi mày đay.

Dị ứng có lúc xảy ra nhẹ nhàng, nhưng có lúc rầm rộ, gây nghẹt thở, tụt huyết áp, gọi là phản vệ và sốc phản vệ rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, nếu đã được bác sĩ làm các xét nghiệm và chẩn đoán là dị ứng với loại thức ăn nào, tốt nhất nên tránh xa các loại thức ăn đó.

Còn về bất dung nạp thức ăn liên quan đến ngứa da và nổi mày đay, đó là bất dung nạp histamine. Histamine là hóa chất trung gian do tế bào miễn dịch phóng thích, làm ngứa với nổi mày đay, và thậm chí là sốc phản vệ.

Một số loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có chứa histamine. Các loại thức ăn như thực phẩm lên men (mắm, chao, kim chi, dưa chua, củ kiệu...) hoặc các loại thịt, đặc biệt là cá và hải sản, khi không được bảo quản đúng cách sẽ bị phân hủy theo thời gian, tạo ra histamine. Histamine rất bền với nhiệt nên thức ăn được nấu lên, histamine vẫn không bị phân hủy.

Bình thường, trong ruột có một loại men gọi là diamine oxidase (DAO) giúp phân hủy histamine trong thức ăn, làm cho histamine không bị thấm vào máu. Tuy nhiên, một số người không có men này (do di truyền) hoặc ít men này trong ruột (do viêm ruột, hoặc do bia rượu hay một số loại thuốc làm ức chế hoạt tính của men), khi ăn các thức ăn có nhiều histamine sẽ thấm vào máu và gây ra triệu chứng tương tự như dị ứng.

Nếu không do di truyền, tình trạng bất dung nạp histamine sẽ có thể hồi phục hoàn toàn khi các nguyên nhân gây giảm hoạt tính men DAO không còn nữa.

Những người hay nổi mày đay hoặc có các tình trạng ngứa da do bệnh lý dị ứng, nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều histamine, như các thức ăn lên men và đặc biệt là không nên sử dụng hải sản bảo quản không đúng cách, hoặc đã quá cũ. Hạn chế bia rượu để bảo vệ niêm mạc ruột.

Việc chẩn đoán dị ứng đã có các xét nghiệm như tìm IgE trong máu, hay thử thách thức ăn, nên có thể xác định chính xác. Còn việc chẩn đoán bất dung nạp histamine, hiện nay chưa có xét nghiệm nào chính xác và đáng tin cậy, nên chủ yếu là loại trừ.

TS.BS Phạm Lê Duy (chuyên ngành Miễn dịch học, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top