Viết theo yêu cầu bạn đọc: Bài thuốc ngâm làm co búi trĩ

(khoahocdoisong.vn) - Bạn Nguyễn Văn Thanh (Quảng Ninh) và nhiều bạn đọc khác viết thư đề nghị KH&ĐS giới thiệu và phân tích tính khoa học của bài thuốc từ quả bồ kết, lá trầu không và hạt gấc... có tác dụng làm co búi trĩ. 

Trả lời về vấn đề này, ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, trĩ là một trong những căn bệnh rất phổ biến ở nước ta đúng như cổ nhân đã nói "thập nhân cửu trĩ". Bởi vậy, các bài thuốc kinh nghiệm dân gian có công dụng phòng chống bệnh lý này là hết sức phong phú. Khởi đầu thường bị trĩ nội, sau đó bệnh tái phát và có biến chứng viêm tắc tĩnh mạch trĩ khiến cho hậu môn sưng đau và xuất tiết dịch bẩn. Trong trường hợp này, mọi biện pháp trị liệu phải đạt được các mục đích: Kháng khuẩn, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau và làm cho búi trĩ co lên.

Trong bài thuốc bạn đọc hỏi là dùng 7 lá trầu không, 7 quả bồ kết, 7 hạt gấc giã nhỏ, trộn với một ít muối và một quả cau bổ thành 7 miếng cho tất cả vào nồi nước đun sôi rồi xông ngâm tại chỗ cho đến khi nguội, mỗi ngày làm 2 lần sáng và chiều. Nữ dùng mỗi thứ 9. Sau 3 ngày, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt...

Theo Đông y, trầu không là một vị thuốc vị cay nóng, tính ấm, có công dụng trừ phong thấp, chống lạnh, hạ khí, tiêu đờm, tiêu viêm và sát trùng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như cảm mạo, mụn nhọt, vết thương phần mềm, bỏng, vỉêm chân răng, sai khớp, bong gân... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trầu không có tác dụng ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tan máu, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ và thương hàn, trực khuẩn coli... và còn có tác dụng làm lành nhanh vết thương nhờ khả năng thúc đẩy sự biểu mô hóa.

Quả bồ kết vị cay mặn, tính ấm, có công dụng thông khiếu, trừ đàm, tiêu thũng, sát trùng, tiêu độc, thường được dùng để chữa trúng phong, hen suyễn, sâu răng, kiết lỵ, mụn nhọt, áp xe vú... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả bồ kết cũng có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm.

Hạt gấc vị đắng hơi ngọt, tính ấm, có công dụng tiêu tích, lợi trường, tiêu thũng, tiêu viêm và sinh cơ, thường được dùng để chữa mụn nhọt, ghẻ lở, trĩ, lòi dom, sưng vú, tắc tía sữa, sốt rét có báng... chủ yếu dùng ngoài vì có độc.

Quả cau vị đắng chát, tính ấm, có công dụng sát trùng, tiêu thũng, tiêu tích, hành khí, lợi thủy. Muối ăn, còn gọi là diêm tiêu, vị mặn, tính lạnh, cũng có công dụng tả hoả, lương huyết, tiêu viêm, nhuận táo.

Như vậy, tất cả 5 vị thuốc trong bài phối hợp với nhau tạo nên công năng kháng khuẩn, tiêu viêm, tiêu thũng (giảm sưng nề) và kích thích quá trình biểu mô hoá, làm lành nhanh vết thương. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc trị liệu bệnh trĩ có biến chứng viêm tắc gây sưng nề, viêm nhiễm. Bởi vậy, bài thuốc mà bạn đọc dùng là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, rất tiếc cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào khảo sát cụ thể về tác dụng trị liệu của phương thuốc dân gian này đối với bệnh trĩ có biến chứng. 

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top