Việt Nam và kỳ tích tiêm văcxin

Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới tính về số liều văcxin đã được tiêm và là 1 trong 4 nước đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi văcxin cho gần 70% dân số.

Về đích sớm trong việc bao phủ văcxin phòng Covid-19

Ngày 8/3/2021, Việt Nam bắt đầu triển khai những mũi tiêm văcxin phòng Covid-19 đầu tiên cho các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ngày 8/7/2021, Việt Nam bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cả nước với mục tiêu: Tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm văcxin phòng Covid-19 trong năm 2021 và trên 70% dân số được tiêm văcxin phòng Covid-19 đến hết quý I/2022.

tiem-covid14.jpg
Mở  đầu chiến dịch tiêm văcxin phòng COVID-19 là cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Đầu quý 2/2021, dự báo lạc quan nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, sau ít nhất 1 năm, tức tháng 4/2022 Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bao phủ văcxin cho người dân. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong việc tiếp cận nguồn văcxin, thực hiện chiến dịch tiêm chủng và sự hưởng ứng của người dân, Việt Nam đã về đích sớm.

Phát biểu tại Lễ mít tinh Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngay từ thời gian đầu, cùng với những nỗ lực vượt bậc trong kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ và Bộ Y tế đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời với việc thực hiện tiếp cận các nguồn văcxin phòng Covid-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao văcxin với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.

Tính đến 10h ngày 31/12/2021, cả nước đã tiêm gần 151 triệu liều văcxin phòng Covid-19 các loại khác nhau. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều văcxin là 99,4% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 89,9% dân số từ 18 tuổi trở lên...

Đến nay, Việt Nam nằm ở vị trí 52 trong tổng số 63 quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện được mục tiêu tiêm văcxin phòng Covid-19 cho 66% dân số. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà WHO đề ra đến hết năm 2021: 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm văcxin phòng Covid-19.

Tính về số liều văcxin đã được tiêm thì Việt Nam xếp thứ 8 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Pakistan, Đức. Trong số 8 nước này mới chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Việt Nam đạt được mục tiêu bao phủ 2 mũi văcxin cho gần 70% dân số.

Việc tiêm đủ liều văcxin cơ bản phòng Covid-19 đang giúp tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Việt Nam ở mức thấp, chiếm 1,9% ca bệnh.

tiem-covid6.jpg

Thành công của chiến lược ngoại giao văcxin

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần 31, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngành ngoại giao đã đóng góp rất lớn khi vận động nhiều nguồn văcxin từ nước ngoài.

"Hiện nay văcxin vẫn đang về. Có những nước sẵn sàng viện trợ cho ta gần chục triệu liều văcxin trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Với tinh thần nhượng văcxin, viện trợ văcxin và vay văcxin, hay nói tóm lại là tất cả những gì làm được về mặt ngoại giao thì các đồng chí đều làm. Chúng tôi đánh giá rất cao về ngoại giao văcxin và trang thiết bị y tế của ta" – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, nhờ đóng góp của ngành ngoại giao, hiện đất nước đã làm chủ được văcxin và tự tin thay đổi trạng thái từ Zero-Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả để tiếp tục khôi phục kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao văcxin cho hay, Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò của mạng lưới hơn 90 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng với sự phối hợp của Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan triển khai một cách quyết liệt, toàn diện và hiệu quả công tác vận động các bạn bè, đối tác quốc tế hỗ trợ các nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, nhất là về văcxin, trang thiết bị, vật tư y tế, kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ văcxin và thuốc điều trị; tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về phòng chống dịch bệnh và các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cùng các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ.

tiem-covid.jpg

Có thể nói, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ngoại giao văcxin đã đạt kết quả rất quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 như Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

Sự hợp tác và đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Chia sẻ văcxin sẽ giúp cứu sống nhiều người và giúp phục hồi các nền kinh tế trên thế giới.

WHO ấn tượng về thành quả tiếp cận văcxin Covid-19 của Việt Nam

TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO chia sẻ, văcxin phòng Covid-19 là một thành công chưa từng có trong cuộc chiến phòng chống đại dịch khi thế giới có văcxin an toàn và hiệu quả được phát triển trong vòng một năm.

Hơn 8,6 tỷ liều văcxin đã được sử dụng trong vòng một năm. Điều thực sự ấn tượng là Việt Nam đã có thể bảo đảm hơn 160 triệu liều văcxin phòng Covid-19 và cung cấp hơn 140 triệu liều văcxin cho người dân đủ điều kiện trong một thời gian ngắn như vậy.

Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc mới và tử vong trong khi chúng ta cố gắng sống chung với Covid-19. SARS-CoV-2 đã xuất hiện được gần 2 năm và sẽ tiếp tục lây truyền trong một thời gian nữa.

TS Kidong Park cũng nêu rõ, sự xuất hiện của biến chủng Omicron được quan tâm nhấn mạnh nhu cầu sống còn về việc tiếp cận công bằng và rộng rãi với văcxin để chấm dứt đại dịch. Đoàn kết và phối hợp là rất quan trọng, trong và giữa các quốc gia; không ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn.

"Mặc dù chúng ta có thể không diệt trừ được virus và khó có thể dự đoán được các kịch bản về đột biến của virus trong tương lai, nhưng giờ đây chúng tôi biết cách cứu sống tính mạng con người và giải quyết các tác động xấu đến kinh tế và xã hội. Chúng ta nên tiếp tục bảo vệ nhóm dân số dễ bị tổn thương, người già và những người mắc bệnh nền. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người này có thể không được bảo vệ đầy đủ khỏi loạt tiêm chủng ban đầu", TS Kidong Park nhấn mạnh.

TS Kidong Park cho biết: WHO và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Chính phủ và tất cả các đối tác tăng cường khả năng sẵn sàng phòng chống dịch bệnh như một phần quan trọng trong công việc rộng lớn nhằm xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Để chấm dứt đại dịch, WHO đặt mục tiêu ít nhất 40% dân số tất cả quốc gia được tiêm đủ liều văcxin vào cuối năm 2021, 70% dân số vào giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều, vượt 20% so với mục tiêu của WHO trong năm 2021.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top