Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu giáo dục có chất lượng và công bằng vào năm 2030

(khoahocdoisong.vn) - Sau 5 năm triển khai, các mục tiêu đã đạt được những kết quả ban đầu và có thể khẳng định, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu SDG4 “về giáo dục có chất lượng và công bằng” vào năm 2030

Tại phiên họp nghe Báo cáo Quốc gia năm 2020 về tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đánh giá khả năng hoàn thành của Việt Nam đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì, các thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh thống nhất cho rằng, “nhóm chỉ số về giáo dục của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất chắc chắn”. 

Một số kết quả cụ thể được đưa ra như: Giáo dục phổ thông đã tương đương với nhóm các nước phát triển (OECD), trong tốp 40; giáo dục đại học nằm trong tốp 70, đào tạo nghề ở vị trí khoảng 90. Theo báo cáo đánh giá năm 2020 của Ngân hàng thế giới, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó thành phần giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực như: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore); tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; chương trình đánh giá kết quả học tập tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy, học sinh tiểu học Việt Nam đứng vào tốp đầu các nước ASEAN ở cả 3 năng lực được khảo sát là Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế; vị thế của giáo dục đại học Việt Nam được nâng lên trên các bảng xếp hạng uy tín thế giới; số lượng công trình nghiên cứu khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh những năm qua… cũng là những điểm sáng của giáo dục Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng thống nhất quyết tâm không điều chỉnh và phấn đấu đạt được mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra.

Trong 17 mục tiêu quốc gia thuộc Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ngành Giáo dục được giao đảm nhiệm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thứ 4 (SDG4): “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” với 8 mục tiêu cụ thể.

Sau 5 năm triển khai, các mục tiêu đã đạt được những kết quả ban đầu và có thể khẳng định, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu SDG4 “về giáo dục có chất lượng và công bằng” vào năm 2030. Từ nay đến đó, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn cho 2 mục tiêu “khó” là mục tiêu về chất lượng lao động có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động và mục tiêu về tiếp cận bình đẳng giáo dục và đào tạo cho những người dễ bị tổn thương.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top