Việt Nam chuẩn bị 2 kịch bản đối phó với Covid-19

Bộ Y tế chuẩn bị 2 kịch bản đại dịch trong thời gian tới gồm Covid-19 chuyển thành bệnh lưu hành và xuất hiện biến chủng mới cần ứng phó.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết kịch bản đầu tiên là virus dần dần giảm bớt độc lực, cùng với miễn dịch tạo ra khi mắc Covid-19 và tiêm vắc xin, số ca nặng và tử vong sẽ giảm xuống.

Với kịch bản này, Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, chuyển Covid-19 thành bệnh lưu hành; có các biện pháp đưa hoạt động xã hội trở về bình thường, giúp từng cá nhân hiểu rõ nguy cơ và chủ động biện pháp phòng ngừa. Cả nước không triển khai chống Covid-19 quy mô lớn, mà chủ yếu tập trung dự phòng cho nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền.

GS. Lân nhận định "hiểu biết về virus gây bệnh Covid-19 chưa toàn diện". Khi người dân tăng cường giao lưu đi lại, các biến chủng mới có thể xuất hiện hoặc các biến chủng tương tác với nhau tạo thành chủng mới, có thể làm giảm hiệu quả vắc xin, thay đổi nguy cơ gây bệnh nặng, lây lan mạnh hơn. Đây là kịch bản thứ hai, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp khẩn cấp để phòng chống dịch và tiếp tục cập nhật thuốc điều trị, công nghệ sản xuất vắc xin.

Theo GS. Lân, các biện pháp chống dịch dành cho từng kịch bản được xây dựng song song, nhằm không bị động trong phòng chống dịch, kịp thời ứng phó khi có tình huống mới.

Đánh giá tình hình dịch hiện nay, các chuyên gia cho rằng kịch bản một nhiều khả năng xảy ra hơn. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhìn nhận hiện biến chủng Omicron chiếm ưu thế. Phần lớn người dân nhiễm không triệu chứng, có thể tự cách ly, điều trị tại nhà. Cuộc sống đang và sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường khi chính quyền mở toàn bộ dịch vụ của đời sống.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM nhận định làn sóng dịch trong nước đã xuống thấp. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ xuất hiện một đến hai làn sóng dịch nữa, số ca nhiễm có thể vẫn tăng song số ca nặng không tăng do đa số người dân đã mắc Covid-19.

Ngoài việc thay đổi các biện pháp chống dịch, phó giáo sư Dũng cho rằng ngành y tế cần sớm khắc phục các thiếu sót về cơ sở vật chất và cả chuyên môn, con người, nhất là từ tuyến y tế cơ sở. Thiếu sót này đã bộc lộ rất rõ từ trong đại dịch. Do đó, ngành y tế cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh, như đảm bảo đầy đủ phương tiện bảo hộ cho nhân viên. Các địa phương thiếu hụt lực lượng y tế cơ sở, cần thông báo kịp thời với cấp trên để tăng cường, điều động kịp thời vì đây là nhân lực chủ chốt đảm bảo điều trị cho F0 tại nhà. Các trạm y tế và nhân viên y tế cơ sở cũng cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân tạo sự tin tưởng, từ đó cải thiện nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.

Đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận hơn 10,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 8,7 triệu đã được công bố khỏi. 7 ngày qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 31.000 ca nhiễm mỗi ngày. Các kịch bản và dự đoán của chuyên gia trong nước gần tương đồng với ba kịch bản của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra hôm 11/3. Trong đó, kịch bản đầu tiên, dễ xảy ra nhất là Covid-19 tiếp tục phát triển, song không còn nghiêm trọng như trước do cộng đồng có miễn dịch tự nhiên hoặc từ vắc xin. Các ca nhiễm tăng đột biến theo chu kỳ, vẫn có ca tử vong khi khả năng miễn dịch suy giảm. Các nước có thể cần tiêm phòng định kỳ cho nhóm dễ tổn thương.

Kịch bản thứ hai là thế giới sẽ ghi nhận thêm các biến chủng ít nghiêm trọng hơn, không cần tiêm nhắc lại hoặc phát triển các loại vắc xin mới. Kịch bản thứ ba là biến chủng virus mới sẽ xuất hiện, nguy hiểm hơn, làm suy yếu hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch của cơ thể, gây ra các ca bệnh nghiêm trọng, tăng tỷ lệ tử vong.

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
back to top