Việt Nam chi 124,5 tỷ USD cho đầu tư công trong 5 năm tới

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam dự kiến chi 124,5 tỷ USD (tương đương 2,9 triệu tỷ đồng) cho đầu tư công trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng 120 nghìn tỷ đồng so với ước tính ban đầu. Trong đó, 1,38 triệu tỷ đồng từ ngân sách trung ương và 1,37 triệu tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, việc tăng vốn đầu tư công có nguồn gốc từ tiết kiệm chi thường xuyên sẽ không làm tăng tổng chi ngân sách.

Đến nay, 6.447 dự án đầu tư công được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 đã được cắt giảm xuống còn 5.397 và sẽ giảm xuống còn khoảng 5.000.

So với giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số mà còn đảm bảo phát triển các vùng trụ cột.

Đầu tư công trong giai đoạn này sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm của quốc gia và những dự án có tác động lan tỏa, đặc biệt là những dự án liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số.

Cụ thể, trong 5 năm 2021 - 2025, Bộ KH&ĐT sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành 13 dự án thành phần của tuyến đường bộ ven biển, với đoạn tuyến Quảng Ninh - Nghệ An dài 307km, các đoạn tuyến khu vực miền Trung, Tây Nam Bộ khoảng 396km.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được trình lên Thủ tướng, bộ đề xuất bố trí 36.300 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ để đầu tư một số tuyến đường kết nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đường nối Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo kết luận của Thủ tướng và đề xuất hợp lý của các bộ, ngành, địa phương.

Trong buổi làm việc về đầu tư công trung hạn của Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xóa bỏ hình thức đầu tư dàn trải, manh mún, không theo quy hoạch, thủ tục rườm rà để phát huy hiệu quả các dự án đầu tư công.

Thủ tướng cho rằng, nhiều tỉnh còn nghèo, quy mô GRDP nhỏ nhưng dự kiến đến hàng trăm dự án. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, điều chỉnh dự án theo hướng trọng tâm, tập trung đột phá chiến lược, phục vụ an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng đưa ra ví dụ, thay vì bỏ ra kinh phí hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện một dự án đào hầm qua núi, tiết kiệm 10 phút thời gian lên trung tâm tỉnh, có thể đầu tư vài trăm tỷ đồng để mở rộng đường, phát triển du lịch của một huyện, đem lại hiệu quả hơn.

Theo Đời sống
back to top