Việt Nam: Bùng nổ start-up công nghệ hóa “kỳ lân” không dễ

(khoahocdoisong.vn) - Các start-up công nghệ Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư khá tốt, với kỳ vọng sớm trở thành “kỳ lân công nghệ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giấc mơ "kỳ lân" không dễ thực hiện.

Start-up công nghệ hút đầu tư

Sau 30 năm mở cửa nhưng chủ yếu gia công, Việt Nam đang định hướng nền kinh tế theo hướng công nghệ cao. Theo dự báo, đến năm 2030, số lượng DN công nghệ của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, hệ sinh thái DN công nghệ được xác định là động lực giúp Việt Nam phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo thống kê của Global M&A Review 2018, công nghệ là mảng đầu tư tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ đầu tư vào các start-up Việt. Các thương vụ tiêu biểu trong năm 2018 gồm Grab mua cổ phần Moca, Sea thâu tóm Foody và Giaohangtietkiem, PropertyGuru mua lại Batdongsan.com, Vntrip sáp nhập Atadi, Scroll đầu tư vào Cát Đông (hiện điều hành CungMua.com, NhomMua.com, Shipto.vn), Yeah1 đầu tư vào Netlink...

Đến đầu năm 2019, thị trường tiếp tục chào đón các thương vụ đầu tư mới. Tháng 5 vừa qua, ứng dụng kết nối cho thuê nhà Luxstay hoàn tất vòng gọi vốn Bridge với sự tham gia của 2 nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels, nâng tổng số tiền gọi được trong vòng này lên 4,5 triệu USD. Trước đó, hồi đầu năm, Luxstay thông báo nhận được 3 triệu USD từ Quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng Bridge.

Trong vòng gọi vốn gần nhất công bố hồi đầu năm, “Uber xe tải” Logivan thông báo huy động thành công 5,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng của châu Á. FPT và SBI Holdings, tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật Bản vừa ký kết bản ghi nhớ chiến lược cùng thành lập và đầu tư 3 triệu USD vào start-up Utop - ứng dụng kết nối mạng lưới doanh nghiệp, quản lý, hoán đổi điểm thưởng.

Quỹ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 của NextTech gần đây cũng đã thành lập và công bố sẽ hỗ trợ 10 triệu USD cho các start-up công nghệ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu quan tâm và thành lập quỹ đầu tư vào start-up. Chẳng hạn, Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu và Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã tuyên bố cùng thành lập Quỹ mở ICT SaoBacDau với quy mô vốn 200 tỷ đồng. Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, điện toán đám mây, Big Data, các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái cộng đồng, IoT và thành phố thông minh...

Công nghệ là chìa khóa phát triển thời kỳ chuyển đổi số, do đó, dễ dàng hiểu tại sao dòng vốn đầu tư cho start-up công nghệ đang ngày càng lớn mạnh. Năm qua, giới khởi nghiệp cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như VietCapital Ventures, Startup Viet Partners, Teko Ventures. Hay gần đây, quỹ đầu tư của Tập đoàn Vingroup – Vingroup Ventures cũng công bố ngân sách đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Ông Eddie Thai (Quỹ 500 Startups có trụ sở tại Mỹ và Singapore) cho biết, vài năm trước, nhiều đồng nghiệp của ông còn rất ngần ngại khi nhắc đến chuyện đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 -3 năm trở lại đây, góc nhìn của họ đã hoàn toàn thay đổi. “Mọi người đang sôi sục tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và số liệu cũng cho thấy dòng vốn vào Việt Nam đã tăng đến 400% chỉ trong vòng vài năm qua” - ông Eddie nhấn mạnh.

Muốn kỳ lân phải ra sân quốc tế

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, dù có nhiều chuyên gia công nghệ giỏi và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, song Việt Nam chưa có thêm "kỳ lân công nghệ” nào. Công ty cổ phần VNG đã là kỳ lân công nghệ duy nhất suốt 15 năm 2004 - 2019 (VNG được định giá 1 tỷ USD vào năm 2014 từ World Startup Report). Sự khan hiếm DN kỳ lân tại Việt Nam trước hết xuất phát từ việc hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các start-up thường nghĩ rằng khi bắt đầu thì chỉ cần một ý tưởng hay. Nhưng từ ý tưởng đến việc quản trị, điều hành và phát triển một dự án là điều khó. Thực tế, ý tưởng khởi nghiệp chỉ chiếm 1% thành công của start-up, 99% còn lại là do các yếu tố khác như tài chính, quản trị, nhân sự và marketing. Lý do các startup thất bại phần lớn xoay quanh 2 kỹ năng: kỹ năng quản trị và kỹ năng tài chính. Làm không tốt một trong 2 kỹ năng đó đều có thể giết chết doanh nghiệp. Xây dựng và vận hành sản phẩm cũng là một thử thách không nhỏ. Cuối cùng là sự tăng tốc, một giai đoạn còn khá mới mẻ và thiếu nhiều bài học kinh nghiệm từ thị trường trong nước.

Một trong những lý do giải thích cho thực trạng này, đó là quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ lớn để giúp startup tăng tốc. Mặc dù nền kinh tế Internet Việt Nam được đánh giá là tiềm năng, nhưng thị trường Việt Nam vẫn chưa thể top 4 hấp dẫn nhất Đông Nam Á, theo số liệu từ Google và Temasek. Để đạt tới mục tiêu định giá 1 tỷ USD, start-up cần một cuộc chơi đường dài, liên tục mở rộng ra các thị trường khác. Như vậy, nếu chỉ xác định cuộc chơi tại Việt Nam, khả năng cán mốc 1 tỷ USD là gần như không thể.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ và chính sách cho start-up ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi. Nhiều trường hợp start-up Việt chọn Singapore hay Silicon Valley là nơi đặt trụ sở. Chẳng hạn, các start-up thành công như Kyber Network của CEO Lợi Lưu, hay Abivin của Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đều đặt trụ sở ở Singapore, Got It! Của Trần Việt Hùng đặt ở Silicon Valley, Mỹ.

Ông Trần Việt Hùng, CEO của Got It! cho biết, khởi nghiệp đã khó, start-up công nghệ còn khó gấp nhiều lần. Yếu tố quan trọng nhất để xây dựng, phát triển các doanh nghiệp công nghệ là nhân lực chất lượng cao. Trình độ đội ngũ kỹ sư CNTT Việt Nam vẫn cách xa so với thế giới, và cần có thêm nhiều kiến thức kỹ năng khác. 

Theo ông Hùng cho biết, khi Facebook mua lại với trị giá 1 tỷ USD, Instagram chỉ có 14 người, trong đó có 9 kỹ sư. Hay khi Facebook đầu tư 19 tỷ USD mua lại, WhatsApp cũng chỉ có chưa tới 60 kỹ sư. "Tất cả các kỹ sư của Instagram hay WhatsApp đều siêu giỏi. Có thể khẳng định rằng để xây dựng được các công ty công nghệ, thiếu lực lượng kỹ sư CNTT giỏi thì doanh nghiệp đừng mơ" - ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Hùng, CEO của Got It!

Ông Trần Việt Hùng, CEO của Got It!

Với các start-up công nghệ Việt Nam, ông Hùng cho rằng, ngay từ đầu, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn lớn, làm ra sản phẩm phục vụ cho số đông, cho tất cả mọi người trên thế giới. Thế giới công nghệ vốn không có biên giới. Khi doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường thì tất cả mọi người trên thế giới phải đều có thể sử dụng sản phẩm đó. Khi đó, Việt Nam mới có thể biến giấc mơ “kỳ lân công nghệ” thành hiện thực.

Theo Đời sống
back to top