Việt Á “len lỏi” vào đề tài nghiên cứu khoa học để trục lợi ngân sách

Điểm bất hợp lý vụ án kit test Covid-19 Việt Á là: Để nghiên cứu thành công đề tài kit test Covid-19 ngân sách nhà nước đã phải chi ra tới gần 19 tỷ đồng, trong khi đó kết quả nghiên cứu lại được Việt Á sử dụng để trục lợi.
phanquocviet.jpg
Phan Quốc Việt Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á được đưa vào danh sách thành viên nghiên cứu đề tài khoa học kit test Covid-19

"Cài cắm" ngay từ đầu

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác nhận kit test Covid-19 của Công ty CP công nghệ Việt Á là kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài khoa học cấp quốc gia có tên “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”.

Tổng kinh phí cho việc nghiên cứu đề tài này là gần 19 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Học viện Quân y, trong đó chủ nhiệm là PGS Hồ Anh Sơn – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y).

Điều đáng nói, ngay từ đầu từ khâu chuẩn bị, Công ty CP công nghệ Việt Á đã được “cài cắm” vào đề tài khoa học cấp quốc gia này. Bởi trong số 17 thành viên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài thì có tới 4 thành viên là người của Việt Á.

Cụ thể bao gồm, ông Phan Quốc Việt Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á, và 03 cá nhân khác là: Hồ Thị Thanh Thủy, Khổng Thị Minh Ngân, và Nguyễn Thụy Dạ Thảo.

Đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công 02 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV; Đã xây dựng thành công Quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV.

Sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kit test dưới dạng “super mix” và đã sử dụng trong phòng chống dịch Covid-19 từ tháng 3/2020-nay.

Đáng lưu ý là tên cơ quan ứng dụng sản phẩm khoa học của đề tài này là chỉ là Học viện quân y, không có tên Công ty CP công nghệ Việt Á.

Hợp đồng triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ này đã được ký kết với thời gian thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực hiện thực tế là đến tháng 10/2021, theo quyết định điều chỉnh do Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ ký tháng 6/2021.

kitt.jpg
Bộ kit test Covid-19 "tung hoành" tại 62 tỉnh, thành cả nước.

Thế lực nào đứng sau?

Vậy, vì sao một doanh nghiệp tư nhân như Công ty CP công nghệ Việt Á lại có thể “len lỏi” vào đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia để trục lợi dù quy trình phê duyệt, kiểm nghiệm rất chặt chẽ, lại qua nhiều cơ quan chức năng, bộ, ngành?

Có thể thấy, việc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu đề tài khoa học “kit test Covid-19” này được Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan phê duyệt, giao nhiệm vụ. Học viện Quân y chính là đơn vị được “lĩnh xướng”.

Mặt khác, Học viện Quân y cũng đã chọn Công ty Việt Á chính là các đơn vị đồng hành thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia này. Vì vậy, Việt Á có thể theo sát tiến trình đề tài nghiên cứu cho đến khi “xuất xưởng”.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu 02 bộ sinh phẩm này đều đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020).

Và được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ -NCYS ngày 18/8/2020.

Thậm chí, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020).

Sau khi sản xuất thành phẩm, Công ty Việt Á đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid của các địa phương trên cả nước, chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, thông đồng, thoả thuận chi ngoài hợp đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá, nâng khống giá thành sản xuất để thu lợi bất hợp pháp.

Đây chính là những yếu tố để Việt Á hình thành bộ kit test Covid-19 và rồi “tung hoành” tại 62 tỉnh, thành cả nước như hiện nay thu về gần 4.000 tỷ đồng bất chính.

Theo Đời sống
back to top