Viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha: "Nổ" công dụng, hiệu quả điều trị?

(khoahocdoisong.vn) - Tô vẽ hoàn hảo công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, dùng người nổi tiếng, thư cảm ơn của người bệnh… để quảng cáo nhằm tăng sức thuyết phục, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc đang cố câu kéo người bệnh mua viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha?

Phản ánh tới đường dây nóng Khoa học & Đời sống, bạn đọc Nguyễn Thanh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đặt nghi vấn: Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) Viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha của Công ty CP dược thảo Thiên Phúc có dấu hiệu "lách" Luật Quảng cáo, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng?

Đâu là công dụng thật?

Theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 01662/2019/ATTP-XNQC ngày 19/8/2019 được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc, sản phẩm Viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha chỉ có tác dụng giúp bổ thận, bổ phổi, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng, giúp giảm lão hóa. Đây cũng là công dụng của sản phẩm trên được niêm yết trên website duocthaothienphuc.vn (website chính thức của Công ty CP dược thảo Thiên Phúc).

Khảo sát của Khoa học và Đời sống cho thấy, hiện trên trang banikha.vn (cũng được cho là website chính thức của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc), sản phẩm viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha lại được “biến tấu” với rất nhiều công dụng khiến người đọc choáng ngợp.

Theo đó, TPBVSK này tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều tiết hoạt động hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus có hại vào cơ thể; phòng đột quỵ, tim mạch, ổn định huyết áp và lượng đường huyết trong cơ thể; hỗ trợ điều trị ung thư, ức chế và làm chậm sự phát triển và nhân bản của tế bào ung thư, giảm kích thước của các khối u.

Ngạc nhiên là, viên nang này còn được giới thiệu có tác dụng điều trị suy thận: Theo Viện Dữ liệu Quốc gia Nhật Bản bổ sung đông trùng hạ thảo (5 – 14mg/ngày) đạt hiệu quả bình phục lên tới 86% so với nhóm bệnh nhân không dung; hay 90% bệnh nhân bị đái tháo đường cho kết quả tích cực sau khi sử dụng Đông trùng hạ thảo Banikha.

banikha(1).jpg
Sản phẩm TPBVSK Viên nang đông trùng hạ thảo Banikha của Công ty CP dược thảo Thiên Phúc.

Các thành phần trong dòng sản phẩm Viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha cũng được liệt kê với rất nhiều công dụng “hoàn hảo”? Chẳng hạn, sản phẩm là sự kết tinh bởi 3 loại vương dược gồm đông trùng hạ thảo, sâm, và cao linh chi, giúp cơ thể chống lại sự mệt mỏi hiệu quả, và phục hồi nhanh chóng nhất.

Để tăng độ tin cậy với người dùng, hình ảnh MC Quyền Linh nổi tiếng được sử dụng giới thiệu viên nang Đông trùng hạ thảo Banikha ngay trên trang chủ website duocthaothienphuc.vn.

Ngoài ra, tại các website trên còn sử dụng các phản hồi của người bệnh về sản phẩm đông trùng hạ thảo nói chung của Công ty dược thảo Thiên Phúc, với mô típ chia sẻ là trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, sau khi dùng thì hiệu quả khỏe mạnh trở lại…

Điều này có thể dễ khiến cho khách hàng lầm tưởng các sản phẩm đông trùng hạ thảo có công dụng chữa bệnh hiệu quả.

cong-dung-vien-nang-banikha.png
Công dụng và thành phần của viên nang đông trùng hạ thảo Banikha được quảng cáo trên trang website banikha.vn khiến người xem trầm trồ.

Ví dụ như, nội dung chia sẻ của một người bị bệnh thiếu máu lên não ở Hưng Yên: “Trước đây tôi bị bệnh máu lưu thông lên não kém, đã dùng nhiều thuốc nhưng không cải thiện. Sau khi sử dụng đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc 5 ngày đã thấy sự khác biệt theo hướng tích cực. Sau 7 ngày đi kiểm tra, sức khỏe cải thiện rõ, giấc ngủ sâu hơn và máu lưu thông tốt hơn”.

Hay, một phụ nữ mắc bệnh hen mạn tính tại Nghệ An cũng chia sẻ: “Tôi mắc bệnh hen mạn tính. Từ năm 2012, biết đến đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc qua báo đài, tôi đã mua và sử dụng. Sau một thời gian, bệnh của tôi đã thuyên giảm rõ rệt. Rất cảm ơn Thiên Phúc”...

“Lách” luật quảng cáo?

Chưa bàn những công dụng trên “hiệu quả” thật hay không. Nhưng việc quảng cáo thực phẩm chức năng dưới dạng liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

dtht1.png
Quảng cáo sản phẩm TPBVSK Đông trùng hạ thảo sử dụng hình ảnh, chia sẻ của người bệnh dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng công dụng chữa bệnh của sản phẩm này.

Hành vi này được bổ sung tại Nghị định số 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cũng tại Nghị định trên, hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Hoặc, sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm là hành vi bị nghiêm cấm.

Tương tự, theo quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13: Việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng nêu rõ: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

ql2.png
Hình ảnh MC Quyền Linh nổi tiếng quảng cáo viên nang đông trùng hạ thảo Banikha trên trang website của Công ty CP dược thảo Thiên Phúc.

Ngày 6/5/2021, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc bị Cục An toàn thực phẩm ra quyết định xử phạt với số tiền 35 triệu đồng. Lý do là công ty quảng cáo sản phẩm TPBVVSK Trà đông trùng hạ thảo Banikha trên website: https://www.duocthaothienphuc... mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Theo Đời sống
Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
back to top