Viêm họng trong các bệnh nhiễm trùng nặng

Một số bệnh nhiễm trùng thường gây ra viêm họng (VH). Biếu diễn và tiên lượng của mỗi trường hợp có thể nhẹ nhưng có thể có những biến chứng nguy hiểm: viêm tai xương chũn cấp tính, loét họng hoại tử, viêm thận, chảy máu ruột, thủng ruột…
nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng dễ gây viêm họng.

Bệnh sởi: VH của sởi xuất hiện sớm ngay trong giai đoạn xuất tiết và đồng thời viêm mũi, viêm màng tiếp hợp. Đây là VH đỏ thông thường, không có gì đặc biệt. Riêng trường hợp thể địa suy yếu mất sức chống đỡ sẽ xuất hiện VH hoại thư ở vùng lợi và má gọi là cam tẩu mã.

Bệnh thương hàn được gọi là VH Duguet. Loét họng xuất hiện vào khoảng 7 ngày đầu của bệnh và khu trú ở trụ trước. Vết loét nông, hình quả trứng, màu trắng cám có một lớp nhầy che phủ, chứa đựng vi trùng thương hàn.

Bệnh nhân nuốt không đau, cổ không có hạch. Vết loét kéo dài độ một tuần và mất dần. Bản thân của vết loét không có gì đáng ngại, nhưng một số trường hợp sau loét họng có khả năng bị chảy máu ruột hoặc thủng ruột.

Bệnh đậu mùa: VH đậu mùa bắt đầu cùng một lúc với mụn mủ ngoài da. Đầu tiên niêm mạc đỏ, amydan sưng to như viêm tấy, sau đó xuất hiện các mụn nước bóng ngời trên niêm mạc đỏ thẵm.

Những mụn nước này vỡ ra để lại những vết loét tròn có giả mạc che phủ. Thể đậu mùa xuất huyết, trong họng có giả mạc đen và thối giống như bạch hầu ác tính và tiên lượng cũng rất xấu.

Bệnh thủy đậu: Thường sinh ra những mụn nước ở niêm mạc má, hàm ếch và màn hầu. Những mụn nước này sẽ vỡ đi và để lại những loét nông nhỏ, chóng lành.

Bệnh viêm quầng: Viêm quầng ở họng có thể đi đôi với viêm quầng ngoài da mặt hoặc xuất hiện riêng lẻ như là biến chứng sau một phẫu thuật ở họng hay mũi.

Bệnh bắt đầu bằng sưng niêm mạc họng. Niêm mạc trở nên đỏ, căng và nổi gờ, sau đó xuất hiện phổng nước ở màn hầu, ở amydan. Các phổng nước này vỡ và để lại những vết loét nông.

Viêm quầng họng gây ra những biến chứng đáng ngại: viêm tai xương chũn cấp tính, viên tấy lan tỏa ở cổ trên những bệnh nhân suy yếu, đái tháo đường, nghiện rượu…

Bệnh cúm: VH cúm không có triệu chứng đặc hiệu. Đây là một viêm họng đỏ hay đỏ có bựa trắng rất thông thường, các triệu chứng toàn thân nặng: sốt cao, biểu đồ nhiệt hình chữ V, bộ mặt nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa…Bệnh cúm thường đưa đến viêm tai phổng nước, viêm tai chảy máu, viêm xoang.

Bệnh thấp khớp: VH trong bệnh thấp khớp không phải là một triệu chứng đặc hiệu. Tất cả những viêm họng do liên cầu trùng đều có thể gây ra viêm khớp hay viêm nội tâm mạc.

Trong bệnh thấp khớp cấp, VH đỏ xuất hiện trước độ 15 ngày. Hầu hết đều cho là VH do liên cầu. Triệu chứng của VH giống hệt viêm họng đỏ thông thường và khỏi trong vòng 3 -5 ngày.

Bệnh gút: Trong bệnh gút cũng có hiện tượng sưng họng nhưng không phải là viêm. Đây là một sự phù nề và xung huyết xuất hiện một cách đột ngột và khu trú ở thành họng và màn hầu gây ra ở thể địa gút. Sưng họng thường xen kẽ với sưng ngón chân cái hoặc đau bụng.

Bệnh tinh hồng nhiệt (Scaclatin): Liên cầu trùng bêta tan huyết A đóng vai trò chủ yếu trong sự phát sinh bệnh. VH là triệu chứng quan trọng của scaclatin.

VH xuất hiện đầu tiên: niêm mạc miệng và họng đều đỏ tươi, hai amydan bị bựa trắng hoặc giả mạc che phủ, lưng lưỡi trắng bệch, đầu lưỡi lổn nhổn và đỏ.

Bệnh nhân kêu đau họng và khó nuốt, sốt cao 40OC kèm theo rét và nhức đầu, nôn và mạch rất nhanh.

Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng nhiều và nhất là bạch cầu đa nhân. Sau 24h, ban đỏ xuất hiện ngoài da, nhất là ở trước ngực và các nếp gấp của chi.

Ban đỏ chiếm từng mảng rộng một cách liên tục, không có da lành xen kẽ. Da vùng bệnh sần như da cam. Ban sẽ tan dần vào ngày thứ 8.

Đó là thể thông thường nhưng tinh hồng nhiệt thường hay gây ra biến chứng nặng như loét họng có giả mạc, loét họng hoại tử, viêm tai xương chũn, viêm xoang, viêm thận…

TS Vũ Viết Sáng

(Trưởng khoa Phổi và hồi sức cấp cứu, BV TWQĐ 108 )

Theo Đời sống
back to top