Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể dẫn tới thấp tim

Thấp tim là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân do cơ chế miễn dịch, xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.

Thăm khám, phát hiện bệnh sớm

Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: viêm nhiều khớp (chủ yếu các khớp lớn), viêm tim (cơ tim, van tim), múa vờn (chorea), hạt dưới da, ban đỏ vòng. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng viêm họng do liên cầu khuẩn là một trong nguyên nhân chính.

Người bệnh hay gặp viêm họng trước đó 1-2 tuần. Biểu hiện toàn thân: người bệnh có sốt nhẹ hoặc sốt cao; toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém; có thể ho, đau ngực… Khám thấy thành họng xung huyết đỏ, amydal có thể viêm sưng to có thể có nốt mủ. Sau đó bệnh nhân sẽ có những triệu chứng nặng như sau:

– Viêm khớp: Sau viêm họng 1-2 tuần xuất hiện đau khớp. Thường hay gặp ở các khớp nhỡ hoặc khớp lớn như khớp gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay… Khớp đau, có thể sưng nóng đỏ nhưng cũng có thể đau nhẹ khi vận động, hạn chế vận động do đau. Đặc điểm của viêm khớp: viêm khớp không đối xứng, khi khớp này giảm đau mới đau sang khớp khác gọi là viêm khớp di chuyển. Viêm khớp giảm rất nhanh với điều trị bằng salicylat, khi khỏi không để lại di chứng, không điều trị cũng tự khỏi sau 4 tuần.

-Viêm cơ tim: Biểu hiện nhịp tim nhanh, tiếng tim mờ, có thể có ngoại tâm thu nhĩ hoặc thất, có thể có tiếng ngựa phi ở mỏm hoặc trong mỏm. Người bệnh cảm giác đau tức ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, có thể có tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm tim.

– Viêm van tim: Hay gặp tiếng thổi tâm thu (TTT) ở mỏm tim mới xuất hiện do hở van hai lá (HoHL), tiếng thổi tâm trương ở giữa mỏm (thổi carey coomb), có thể do tăng cường độ tiếng T3, tiếng thổi tâm trương ở đáy tim do hở lỗ van động mạch chủ (HoC).

– Viêm màng ngoài tim: Tiếng tim mờ, có thể nghe thấy tiếng cọ màng tim.

– Suy tim (trong trường hợp thấp tim nặng): Người bệnh khó thở, ho khan, phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phổi có ran ẩm…

– Múa giật (Sydenham): Do tổn thương thần kinh trung ương. Người bệnh có những động tác ở một hoặc hai chi với đặc điểm biên độ rộng, đột ngột, không có ý thức, tăng lên khi thức và giảm hoặc hết động tác nếu tập trung vào một việc nào đó hoặc khi ngủ. Thường hết múa giật sau 4-6 tuần.

– Hồng ban vòng (erythema marginatum) hay ban Besnier: Vòng ban hồng, xếp thành quầng có đường kính của đường viền 1-2 mm, hay gặp ở thân, mạn sườn, gốc chi, không có ở mặt. Ban mất đi sau vài ngày.

– Hạt Meynet (hiếm gặp): Là những hạt nhỏ nổi dưới da có đường kính khoảng 5-10 mm, dính trên nền xương (khuỷu, gối…) ấn không đau, xuất hiện cùng viêm khớp và viêm tim, mất đi sau vài tuần. Nếu những lần đầu bệnh nhân chỉ bị viêm khớp chưa thấy tổn thương tim người ta thường dùng thuật ngữ thấp khớp cấp. Nếu thấp càng tái phát nhiều lần thì nguy cơ tổn thương tim càng cao.

Về điều trị, bệnh nhân cần điều trị ngay, đủ liều và đủ thời gian để diệt được liên cầu. Hiện nay, penicilin vẫn là thuốc thường dùng vì có hiệu quả nhất, chưa thấy có kháng penicilin của liên cầu khuẩn, đồng thời thuốc có giá thành thấp và sẵn có trên thị trường thuốc. Các thuốc kháng sinh dòng beta-lactam cũng có hiệu quả cao trong điều trị liên cầu. Khi bị dị ứng với penicilin có thể dùng erythromycin (nhưng có khoảng 10% liên cầu kháng erythromycin).

PGS.TS Hà Kiệm

Giảng viên bộ môn Tim -Thận – Khớp – Nội Tiết, Học viện Quân y

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top