Viêm giác mạc, mù lòa vì kiến ba khoang

Kiến ba khoang không những gây vết bỏng trên da mà còn gây viêm bỏng mi, viêm giác mạc dẫn đến loét và mù lòa.

Kiến ba khoang đốt rất nguy hiểm

Chị Nguyễn Thị Tân (Vĩnh Phúc) phải đi khám mắt trong tình trạng bị đau mắt, sưng đỏ, chảy nước mắt và nhìn kém… Chị cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bị kiến ba khoang đốt vào cổ, khi bị phồng rộp chị gãi sau đó lại dụi lên mắt. Khi đi khám, bác sĩ cho hay bị bỏng bờ mi, viêm loét giác mạc, nếu không đi khám kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mù lòa.

ThS Trần Thế Hưng, Trung tâm mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, mấy năm gần đây tình trạng bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt sau đó ảnh hưởng đến mắt rất nhiều và số lượng hàng năm tăng dần hơn. Trong đó người dân ở các vùng nhiều cây cối, gần đồng cũng có, nhưng những người sống ở thành phố, thậm chí sống ở chung cư tầng trên 20 cũng bị.

Đa phần bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt, sau đó di vào thân con kiến dẫn đến vỡ khoang chất dịch trong bụng nó. Đây là chất có khả năng gây bỏng như hóa chất. Đáng lẽ khi bị cần rửa nước sạch và xà phòng nhưng người dân không chú ý dẫn đến tình trạng dụi, chạm lên mắt nên bị bỏng khu vực này.

“Bỏng mắt do kiến ba khoang cũng tương tự như bị bỏng hóa chất dẫn đến viêm loét da mi và giác mạc. Nếu không may bị, người bệnh cần cần rửa ngay mắt bằng nước sạch để làm trôi lớp hóa chất này đi. Đồng thời cần đến cơ sở mắt để khám và tra thuốc nhằm ngăn ngừa tình trạng làm bỏng thêm giác mạc. Nếu không cũng có thể đến các phòng khám da liễu nhưng dùng thuốc của mắt như thuốc mỡ, kháng sinh, thuốc chống dị ứng…”, BS Trần Thế Hưng cho biết.

Gây hoại tử da mạnh

Ở góc độ da liễu, BS Lương Trường Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) cho hay, kiến ba khoang gây bệnh không phải là đốt. Do lý do nào đó kiến chết, dập nát, dịch dính vào da gây viêm da tiếp xúc tại chỗ gây rát, ngứa. Bệnh nhân gãi, dịch dính tay sau đó dây vào vùng da khác  gây viêm da tiếp xúc gián tiếp nhiều chỗ trên cơ thể mà không có bất kỳ vùng cấm nào như chân tay, cổ, mắt, mặt…

Mức độ hoại tử từ kiến ba khoang rất mạnh, do nội độc tố của kiến ba khoang. Nếu không điều tri, vết loét có thể lấn sâu xuống hạ bì, tạo nên vết loét tạo sẹo sau khi lành vết thương giống như các mức độ của bỏng.

Thông thường, tùy theo mức độ và điều trị tốt khoảng một tuần sẽ khỏi. Sau điều trị không để lại sẹo nếu phát hiện sớm và điều trị trước 3 ngày.

Linh Linh

Theo Đời sống
back to top