Việc một người bán tờ 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: Luật quá cứng nhắc thì phải sửa

(khoahocdoisong.vn) - Việc một người đổi 100 USD mà bị phạt đến 90 triệu đồng là rất vô lý, khó chấp nhận được. Nếu luật quy định như thế thì cần phải sửa luật. Và nếu đã áp dụng, thì mọi người phải bình đẳng, ai sai cũng phải bị xử lý.

PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội cho rằng, việc một người đổi 100 USD mà bị phạt đến 90 triệu đồng là rất vô lý, khó chấp nhận được. Nếu luật quy định như thế thì cần phải sửa luật. Và nếu đã áp dụng, thì mọi người phải bình đẳng, ai sai cũng phải bị xử lý.

Quy định khó hiểu

UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều) do có hành vi Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Số tiền anh Rê bị xử phạt là 90 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu gần 2,3 triệu đồng.

Theo nội dung vụ việc, trước đó, anh Rê mang tờ 100 USD (2,3 triệu đồng) đến tiệm vàng Thảo Lực tại phường Cái Khế để đổi. Tờ tiền này do người thân của anh Rê gửi cho. Sau khi đổi tiền xong, anh Rê nhận số tiền gần 2,3 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên.

Dư luận rất quan tâm vụ việc bởi hành vi này của anh Rê không phải là hiếm, thậm chí rất dễ gặp ở các tiệm vàng, nhưng đây là lần đầu tiên có một trường hợp bị phạt nặng như vậy. Ông có bình luận gì về việc này?

Quả đúng là việc xử phạt như thế quá vô lý, không biết khi xây dựng quy định người ta có tính đến những trường hợp xảy ra như thế này không. Ban đầu tôi nghĩ, việc xử phạt như thế là sai, dựa vào cái gì mà xử phạt người ta nặng như vậy. Nhưng sau thấy có quy định về việc thu đổi ngoại tệ sai quy định sẽ bị xử lý khung hình phạt như thế, tôi lại càng thấy vô lý.

Vậy là một người thu đổi 10, 20 USD cũng giống như người đem cả triệu USD đi đổi, nếu sai quy định đều bị xử lý ở mức giống nhau. Nếu luật quy định như vậy thì có lẽ đã đến lúc phải sửa luật.

Nếu là luật và đưa luật vào thực thi, thì không có cơ sở để nói vô lý, thưa ông?

Nó vô lý ở chỗ xét đến cái tình trong vụ việc. Đổi có 100 USD mà bị phạt gấp đến 40-50 lần giá trị của số tiền đó thì rõ ràng là vô lý. Giống như đi xe máy vi phạm luật không đội mũ bảo hiểm mà bị phạt đến cả vài chục triệu đồng thì quá là vô lý chứ còn gì. Điều này cho thấy, luật đã cứng nhắc, người thực thi luật cũng quá cứng nhắc.

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, khung xử phạt từ 80 -100 triệu đồng cho hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Như ông nói, thì phải chăng nên phân chia các khung vi phạm?

Đúng là thế, Nếu người dân đổi 1 USD hay hàng triệu USD vẫn áp dụng chung khung xử phạt từ 80-100 triệu đồng là điều bất hợp lý. Mức phạt cao đối với các tổ chức, doanh nghiệp thì không nói nhưng đối với cá nhân, việc đổi 1-100 USD, xét về tính chất không nghiêm trọng bằng các hành vi khách như gây tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm...

Quyết định xử phạt đã được đưa ra, theo ông có nên xem xét để thay đổi vì nó quá nặng với một người lao động bình thường?

Tôi nghĩ là cần phải thay đổi chứ không thể áp dụng mức phạt như thế được. Cần có các quy định có các mức độ phạt từ vài triệu đồng đến trăm triệu đồng tuỳ theo mức độ vi phạm, số lượng vi phạm, số lần tái phạm, tịch thu tang vật tại hiện trường. Nếu tái phạm nhiều lần sẽ có hình thức phạt cao hơn.

Quy định trên trời…

Thực tế, việc mua bán ngoại tệ nhỏ lẻ ở các cửa hàng vàng vẫn diễn ra, dù đã có quy định xử phạt rất nặng. Phải chăng người dân “nhờn luật”?

Người ta hay nói “quy định trên trời, cuộc đời dưới đất” là vì thế. Đúng là chuyện mua bán USD hay ngoại tệ vẫn diễn ra khắp nơi, và cũng không ít người dân nghĩ rằng đó là chuyện hiển nhiên. Số người biết đó là hành vi phạm luật lại rất ít. Điều đó có từ hai phía, một phần do nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, phần khác phản ảnh quy định đó chưa được thực hiện nghiêm.

Vì sao người ta lại ngại đến ngân hàng để mua bán ngoại tệ?

Ngân hàng thường yêu cầu giấy tờ, rồi thủ tục, giấy tờ, ký tá đủ thứ mới xong. Còn vào tiệm vàng, người ta có thể ngay lập tức mua hoặc bán như một món hàng, xong ngay. Đó là lý do để người ta thường chọn tiệm vàng giao dục. Việc quản lý chặt chẽ ngoại tệ, chống đô la hóa nền kinh tế là một chủ trương đúng. Quy định các giao dịch chuyển nhượng USD phải qua Ngân hàng cũng đúng, nhưng quy định cụ thể lại chưa hợp lý.

Điều chưa hợp lý ở đây là gì ạ?

Để quản lý thì phải kiểm soát được là đúng, nhưng không nên quá cứng nhắc. Ví dụ như những giao dịch dưới 500 USD hoặc dưới 200 USD thì có thể được phép giao dịch ngoài ngân hàng, còn trên con số đó thì mới cần thiết đến ngân hàng.

Việc nới lỏng quy định vẫn kiểm soát được lượng tiền lớn lưu thông, đồng thời tạo điều kiện cho người dân. Còn nếu quá cứng nhắc, mặc nhiên họ sẽ tìm cách “lách”. Hệ quả là rất nhiều người vi phạm, nhiều đến mức mà nhiều người không biết mình đang phạm luật.

Nhưng khi nới lỏng như thế, lại rất dễ có hiện tượng lợi dụng để thu gom, mua bán, hưởng chênh lệch tỉ giá?

Đúng là có hiện tượng đó vì tình hình tỉ giá biến động khá khó lường. Những đối tượng kinh doanh ngoại tệ buôn bán tự do thời gian trước đây không phải là ít. Hà Nội còn có những trung tâm thu đổi nhộn nhịp người suốt ngày đêm. Mãi sau đó có quy định này thì mới im ắng. Nhưng không quản lý được không có nghĩa là cấm, mà phải tìm giải pháp tốt hơn.

Nên tính đến hội nhập

Ở các nước trong khu vực có quy định cấm giao dịch ngoại tệ tự do như ở ta không thưa ông?

Theo tôi được biết thì không. USD là đồng tiền quốc tế, người ta sử dụng mua bán giao dịch thoải mái. Ở Việt Nam chỉ cho phép sử dụng giao dịch bằng tiền Việt Nam. Đó cũng là bất cập trong việc hội nhập, quốc tế hóa nền kinh tế. Việc cho phép sử dụng nhiều đồng tiền khác nhau là để tạo điều kiện cho người dân và du khách thuận lợi hơn trong các giao dịch mua bán đơn thuần. Chúng ta cũng phải tính đến giải pháp hội nhập này, thay vì cấm.

Khi đó thì phải quản lý thị trường ngoại tệ thế nào?

Đó là bài toán quản lý vĩ mô, tại sao các nước họ làm được, mình lại không? Không nên quy định quá cứng nhắc, cái gì không quản được là cấm. Nếu chỉ cấm như thế thì rõ ràng khâu quản lý là yếu kém.

Còn là người dân, qua câu chuyện này, phải chăng là nên nắm chắc luật khi làm việc gì đó?

Không chỉ qua câu chuyện này mà việc nắm vững pháp luật sẽ giúp rất nhiều trong các tình huống của cuộc sống. Đáng tiếc là hiện nay trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nên mới có chuyện bị “dọa”, bị “bắt chẹt” mỗi khi mắc lỗi hay phạm luật. Đa phần không biết luật quy định điều đó thế nào, xử phạt bao nhiều. Việc nắm vững pháp luật với người dân lúc nào cũng rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng (TCTD) được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích: Học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại TCTD được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của TCTD được phép phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng bán ngoại tệ còn được thực hiện tại các Đại lý đổi ngoại tệ của TCTD được phép.
Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top