Vị thuốc ba đậu

(khoahocdoisong.vn) - Ba đậu là cây mọc hoang và trồng nhiều ở Hà Bắc, Vĩnh Phú, còn được nhập từ Trung Quốc và các nước khác dùng để khử hàn tích tụ, khai thông đại tràng. Chủ trị: Táo bón do hàn, thuỷ thũng, hàn đàm hen suyễn khó thở.

Hạt ba đậu chủ yếu có 34-57% dầu béo có tác dụng gây tẩy mạnh, 18% protein. Ba đậu có vị cay, tính nóng, rất độc, để dùng làm thuốc người ta dùng nhân hạt cây ba đậu, nên chọn hạt già chắc,  nhân hạt không lép,  đen, mốc, thối là tốt. Ngày dùng 0,05– 0,02g.

   - Trị ăn không tiêu, đại tiện bí (do hàn tích): Ba đậu 1 chén, rượu 5 chén, nấu nhỏ lửa 3 ngày 3 đêm cho đặc khô, làm viên to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 1 viên với nước. Nếu cần thì uống 2 viên.

   - Trị ngực bụng bỗng nhiên bị đau, đầy trướng, đau như kim đâm, khí cấp: Đại hoàng 40g, can khương 40g, ba đậu 40g (bỏ vỏ, lõi, sao), tán bột, trộn mật làm hoàn. Ngày uống 8-12g. 

   - Trị bụng đầy, ngực đau, đại tiện không thông (do hàn tích): Ba đậu 2 hạt (bỏ nhân và vỏ, rang vàng), hạnh nhân 2 hạt, bọc vải, đập dập, trộn với 1 chén nước nóng, lấy nước uống, hễ đi tiêu được thì thôi.     

   - Trị sốt rét, bụng sưng to: Ba đậu (bỏ vỏ và nhân) 8g, tạo giác (bỏ vỏ và hột) 24g. Tán bột, làm viên to bằng hột đậu xanh. Mỗi lần uống 1 viên với nước lạnh.

   - Trị trúng phong, méo miệng: Ba đậu 7 hạt (bỏ vỏ) giã nát. Đau bên trái đắp bên phải và ngược lại nhưng phải lấy 1 chén nước nóng áp lên thuốc.

   - Trị đại tiểu tiện không thông: Ba đậu (còn nguyên dầu), hoàng liên, mỗi thứ 20g. Giã nát, trộn đều làm thành bánh. Trước hết, bôi nước hành và muối vào trong rốn, đặt bánh thuốc lên cứu, làm như vậy cho đến khi đi tiêu được.    

Ba đậu trừ được chứng tích hàn trong vị, nếu không đúng bệnh thì kiêng không dùng, nói chung dùng ba đậu phải cẩn thận. Ba đậu và đại hoàng đều là thuốc công hạ nhưng đại hoàng tính hàn, vào phần huyết, bệnh của lục phủ có nhiều huyết thì nên dùng. Ba đậu tính nhiệt, vào phần khí, bệnh của ngũ tạng có nhiều hàn thì nên dùng.

Các trường hợp táo bón do nhiệt, có thai, hư nhược, trẻ em dưới 10 tuổi không dùng.

LY Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám đa khoa Thiên Nam, Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top