Vì sao lãi suất cho vay giảm vẫn không cứu được doanh nghiệp?

(khoahocdoisong.vn) - Lãi lớn trong dịch bệnh, các ngân hàng đồng loạt hứa hẹn chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 bằng cách hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, dù lãi suất có hạ bao nhiêu lần, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn là xa vời.

Ngân hàng vẫn lãi lớn

Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động thăng hoa, với lợi nhuận lớn, tiếp nối thành công từ năm 2020 và quý 1/2021.

Đến nay, đã có khoảng 15 ngân hàng thương mại cổ phần công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Uớc tính tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này trong 6 tháng qua là hơn 30.000 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm nhóm Big4 (4 ngân hàng thương mại Nhà nước) chiếm trên 50% tổng tín dụng toàn nền kinh tế.

Nguồn thu của các ngân hàng chủ yếu là tăng thu nhập lãi thuần và giảm mạnh chi phí lãi. Điều này đến từ việc lãi suất huy động giảm sâu nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng, làm tăng NIM (biên độ lãi ròng) nửa đầu năm 2021.

Một số ngân hàng đã “chạm” trần tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước “nới room” trong những tháng cuối năm.

Ngược lại với gam màu rực rỡ của ngành ngân hàng trong bức tranh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, tình hình tài chính của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ) lại mang sắc màu trầm ảm đạm.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng gửi Quốc hội, trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng tới 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nghiêm trọng hơn là đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn phải ngừng hoạt động.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 870.000 doanh nghiệp, nhưng đến 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực yếu, sức cạnh tranh còn thấp. Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn thách thức hơn, trong khi các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Nhằm đáp lại sự kêu gọi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đồng thuận tiến hành hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 kể từ sau cuộc họp với NHNN và Hiệp hội Ngân hàng ngày 12/7.

Mức giảm phổ biến từ 0,5 - 2 điểm phần trăm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên hiện nay ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 8 - 10%/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) cho biết, lãi suất cho vay hiện đã rất thấp nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua. Lãi suất các khoản vay vẫn là gánh nặng với nhiều doanh nghiệp.

Giải pháp hỗ trợ... tượng trưng

Nếu các ngân hàng giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu và cả nợ mới, con số lợi nhuận của ngành chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, ước tính có thể giảm tới 90.000 tỷ đồng thu nhập từ lãi cho vay trong năm 2021.

Theo dự tính của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), giả sử lãi suất cho vay giảm 1 điểm phần trăm thì mức giảm thu nhập từ lãi trong 5 tháng cuối năm nay của các ngân hàng sẽ rơi vào khoảng 5 - 10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm.

Trường hợp việc đồng thuận giảm lãi suất của các ngân hàng được thực thi, mỗi ngân hàng có thể giảm lợi nhuận tới cả nghìn tỷ đồng. Chưa kể áp lực nợ xấu tăng lên, các ngân hàng phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình của Thông tư 03. Theo đó, lợi nhuận trong năm nay và cả năm sau sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Điều này chắc chắn không một ngân hàng nào thực tâm muốn.

Thực tế, đây không phải là lần đầu các ngân hàng thông báo hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó trong việc chứng minh là khách ảnh hưởng bởi dịch bệnh bởi nhiều thủ tục nhiêu khê. Nếu được vay vốn, các doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể vay được những khoản vay ngắn hạn và phải có tài sản thế chấp.

Lãnh đạo của một ngân hàng cho biết, ngân hàng này đã khởi động lại việc hạ lãi suất cho vay đối với bà con nghèo, doanh nghiệp gặp khó do dịch bệnh để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Ngân hàng cũng phải kinh doanh, thu lợi nhuận để trả lương cho nhân viên và duy trì hệ thống. Mà đã kinh doanh thì ai cũng mong muốn có lợi nhuận lớn, hạn chế tối đa rủi ro. Cho nên, việc ngân hàng thận trọng trong việc cho vay, lựa chọn khách hàng có điều kiện tốt là hoàn toàn dễ hiểu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khó khăn cần vay thường gặp vấn đề về dòng tiền trang trải chi phí hoạt động là chính. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không còn tài sản đảm bảo để tiếp tục vay, bởi vướng mắc ở các khoản vay trước đó.

Vì vậy, ngân hàng có đồng loạt hạ lãi suất thêm nữa, thậm chí lãi suất 0% nhưng với tiêu chuẩn vay được siết chặt hơn thì cũng không có tác dụng gì đối với nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh kiệt quệ do dịch bệnh không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Thậm chí, có doanh nghiệp cho biết, họ có thể đáp ứng điều kiện vay vốn với lãi suất thấp, nhưng buộc phải mua thêm dịch vụ đi kèm như bảo hiểm. Về lý thuyết, lãi giảm nhưng tổng chi vẫn không thay đổi.

Hiện nay, các cơ quan liên quan, hiệp hội các ngành nghề vẫn thường xuyên kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, thậm chí kêu cứu tới Chính phủ. Nhưng các chương trình này về cơ bản vẫn chỉ cung cấp thông tin, giải pháp ở tầm vĩ mô. Còn hiệu quả đối với từng doanh nghiệp cụ thể thì vẫn khó thực thi và kém hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top