Vì sao không nên dùng thuốc diệt côn trùng?

(khoahocdoisong.vn) - Thuốc diệt côn trùng rất tiện ích và dễ sử dụng nhưng đem lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người cũng như môi trường.

Những hoạt chất độc hại

 Thuốc diệt côn trùng hay thường gọi thuốc trừ sâu, tiếng Anh là insecticide, được hiểu là các chất vô cơ hay hợp chất hữu cơ, có tác dụng giết chết, hấp dẫn hay xua đuổi côn trùng gây hại.

Trên thị trường có nhiều loại thuốc của nhiều hãng khác nhau nhưng đều có thành phần hoạt chất tương tự, thường là Tetramethrin, Cypermethrin, Iminoprothrin, Prallethrin, Permethrin (chất hóa học tổng hợp thuộc nhóm Pyrethroid) hay Propoxur (nhóm Carbamate). Propoxur là một chất ức chế không hồi phục men Cholinestarase ở động vật (kể cả người). Khi Cholinesterase bị ức chế, hệ thần kinh tự chủ sẽ hoạt động quá mức và không kiểm soát dẫn đến tử vong. Thường mỗi bình thuốc kết hợp 2 hoạt chất của nhóm Pyrethroid.  Tỷ lệ phần trăm thể tích của các hoạt chất dao động từ 0,05% đến 0,5%, còn lại là chất phụ gia tạo hương và dung môi.

Có nhiều loại thuốc diệt côn trùng. Nhóm thuốc thảo mộc có độ độc cấp tính cao, nhưng mau phân hủy trong môi trường. Nhóm clo hữu cơ như DDT, 666…  có độ độc cấp tính tương đối thấp, nhưng tồn lưu lâu trong cơ thể người, động vật và môi trường; gây độc mãn tính nên nhiều sản phẩm bị cấm hoặc hạn chế sử dụng. Nhóm lân hữu cơ như Wofatox, Bi-58...  độ độc cấp tính của các loại thuốc thuộc nhóm này tương đối cao, nhưng mau phân hủy trong cơ thể người và môi trường hơn so với nhóm clo hữu cơ. Nhóm carbamate: Mipcin, Bassa, Sevin…, đây là thuốc được dùng rộng rãi bởi vì thuốc tương đối rẻ tiền, hiệu lực cao, độ độc cấp tính tương đối cao…

Ngộ độc và ung thư

Các thuốc này đều đã đăng ký và được cấp phép lưu hành của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (US Environment Protection Agency, US EPA). Ngoài tác dụng diệt côn trùng, các thuốc này với hàm lượng nhất định sẽ có tác dụng lên con người, vật nuôi và môi trường. Thuốc có thể gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết các động vật thủy sinh. Tác dụng nguy hiểm nhất, đã được ghi nhận trong y văn bởi các chuyên gia y tế là khả năng gây ngộ độc cấp tính ở người, nếu nạn nhân tiếp xúc với một lượng thuốc đáng kể trong thời gian ngắn.

Các thuốc Pyrethroid nói chung ít nguy hiểm, nhưng có thể đe dọa tính mạng nạn nhân nếu hít vào một lượng đáng kể (30 ml trở lên). Thuốc sẽ kích thích phế quản tiết dịch và gây co thắt cơ trơn dữ dội, tác động ức chế hệ thần kinh trung ương làm giảm tri giác hay hôn mê, tụt huyết áp, ngứa trên da, đỏ da...

Ngộ độc Propoxur có biểu hiện rõ hơn. Nhịp tim chậm làm bệnh nhân ngất xỉu; tụt huyết áp, tăng tiết dịch và tăng co thắt cơ trơn phế quản khiến nạn nhân khó thở, tím tái; đau bụng, nôn ói, tiêu chảy do tăng nhu động ruột, mờ mắt, hoa mắt do giảm nhãn áp; ngoài ra bệnh nhân có thể bị nhức đầu, ù tai và hôn mê. Nạn nhân sẽ tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

Như vậy, các thuốc diệt côn trùng nhóm Pyrethroid chưa được ghi nhận gây các ảnh hưởng khác lên sức khỏe con người như khả năng sinh ung thư, gây đột biến gen, sinh quái thai... Trong khi đó, y văn công nhận Propoxur có khả năng sinh ung thư, có độc tính lên hệ sinh sản và sự phát triển thể chất, nếu tiếp xúc trong thời gian dài (nhiều tháng đến nhiều năm).

Nếu bị ngộ độc thuốc diệt côn trùng, cần cách ly nạn nhân khỏi nguồn thuốc, gọi ngay dịch vụ y tế đến cấp cứu, giữ lại bình thuốc để giúp nhân viên y tế biết được hoạt chất gây ngộ độc. Nếu thuốc tiếp xúc qua da hay mắt thì phải rửa ngay với thật nhiều nước sạch (tối thiểu 15 phút). Nếu nạn nhân hít phải thuốc thì di chuyển nạn nhân tới nơi thoáng khí. Khi sử dụng, không để thuốc gần tầm với của trẻ em, không để thuốc gần thức ăn hay vật nuôi, không chúc ngược bình, rửa tay kỹ sau mỗi lần cầm bình xịt, không đập vỡ bình hay ném bình vào lửa ngay cả khi bình đã hết….

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam

Theo Đời sống
back to top