Vì sao không hỗ trợ lãi suất nhiều hơn cho các doanh nghiệp bất động sản?

Theo TS Cấn Văn Lực, bởi có lo ngại, nếu hỗ trợ nhiều hơn sẽ rơi vào tình trạng như đã mắc phải từ 2008 là nhiều doanh nghiệp dùng tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi.

Theo TS Cấn Văn Lực, trao đổi với khoảng 14 hiệp hội, ngành nghề cho thấy, một trong những vấn đề mong muốn nhất là cơ chế chính sách và khâu thực thi phải quyết liệt.

ts-can-van-luc.jpg
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Riêng thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn là phức tạp nhất. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa để cải thiện.

Thực tế, từ tháng 5/2020 có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025 nhưng trong 1,5 năm qua chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí.

Về kênh tiếp cận vốn, tín dụng bất động sản nhà ở không giảm. Đôi khi, điểm rơi chưa chính xác, siết thì siết chặt, lỏng thì thả lỏng.

Về gói hỗ trợ lãi suất, ban đầu dự kiến hỗ trợ lãi suất 3-4%/năm, doanh nghiệp chỉ phải trả lãi suất khoảng 5%/năm. Câu hỏi đặt ra là vì sao không hỗ trợ nhiều hơn?

Bởi có lo ngại nếu hỗ trợ nhiều hơn sẽ rơi vào tình trạng như đã mắc phải từ 2008 là nhiều doanh nghiệp dùng tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi. Với 3%/năm hỗ trợ lãi suất, nếu Chính phủ áp dụng thì cần khoảng 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ - ông Lực nói.

Do đó, phải xác định được nguồn tiền lấy từ đâu, có trọng tâm trọng điểm chứ không làm đại trà. Đấy là nguồn lực tuyệt vời để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

“Liên quan gói cho vay nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, chúng tôi ủng hộ. Giống như gói kích cầu năm 2013, Bộ Xây dựng đã rất quyết liệt. Vấn đề bây giờ phải rút kinh nghiệm những gì bất cập vướng mắc còn hạn chế, tồn tại khi triển khai gói đó để không lặp lại vướng mắc đó nữa. 

Để hạn chế xin cho, có thời gian cụ thể, cần quan điểm dứt khoát để doanh nghiệp, người dân hoạch định được kế hoạch tốt. Làm tốt việc cho ai vay, hỗ trợ chủ đầu tư hay người dân, cần làm rõ quan điểm và nếu triển khai thì nên thực hiện ngay trong giai đoạn 2022-2024” - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo Đời sống
back to top