Vì sao Hồ Quý Ly truyền ngôi cho Hồ Hán Thương – kỳ 3: Đánh giá của các sử gia

nh giá của các sử gia đều cho việc nhà Hồ soán ngôi nhà Trần không hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam.

Hình minh họa.

Hồ Hán Thương được truyền ngôi

Tháng 2, năm 1400, Quý Ly bức vua Trần nhường ngôi, buộc các quan và tôn thất ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ từ chối, nói ta sắp xuống lỗ rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất nữa rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi thành họ Hồ.

Chưa được một năm, theo cách nhà Trần, ông nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương, làm Thái Thượng hoàng. Trần Thiếu Đế, do là cháu ngoại nên chỉ bị phế làm Bảo Ninh đại vương và giam lỏng.
Hồ Hán Thương, là con thứ của Hồ Quý Ly và Công chúa Huy Ninh, tức là cháu ngoại của vua Trần Minh Tông, được Hồ Quý Ly yêu và có ý định truyền ngôi.

Hồ Quý Ly e ngại con trưởng Hồ Nguyên Trừng không bằng lòng. Tuy nhiên Hồ Nguyên Trừng khẳng khái tỏ lòng mình không tranh giành với người em cùng cha khác mẹ này, do đó Hồ Quý Ly quyết định truyền ngôi cho Hồ Hán Thương. Mặt khác, Hồ Hán Thương có mẹ là công chúa nhà Trần nên sẽ thuận lợi về chính danh khi lên ngôi hơn Hồ Nguyên Trừng.
Tháng 9 năm 1406, lấy cớ “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh sai Trương Phụ, Mộc Thạnh mang quân sang đánh Đại Ngu. Sau một vài trận phản công thất bại, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đem theo các thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa.

Quân Minh tiếp tục đuổi theo, đến Kỳ La (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cha con Hồ Quý Ly đều bị bắt. Lúc đó là tháng 6 năm Đinh Hợi (1407). Nhà Hồ trị vì đất nước từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ.

Đánh giá của các sử gia
Hồ Hán Thương ở ngôi được 6 năm, trong thời làm vua sử dụng hai niên hiệu là Thiệu Thành (1401 – 1402) và Khai Đại (1403 – 1407).

Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: “Hồ Hán Thương nối ngôi soán đoạt, lạm chính hại dân, người Minh lấn vào cõi bờ mà không giữ được, xã tắc tan hoang, lồng lộng lưới trời, thưa mà không lọt. Than ôi! Lễ không gì lớn bằng phận, phận không gì bằng danh, danh phận là bờ đê của nhà nước, không thể không cẩn thận”…

Sử gia Ngô Sĩ Liên gọi hai cha con họ Hồ là loạn thần tặc tử. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí coi cha con Hồ Quý Ly là phần phụ, phần Nhà nhuận Hồ, nhuận tức phần thừa, không có tính chính thống.

Sử gia Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược: “Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có trước sau, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu.

Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền, cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam.

Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người! Nhưng đấy là cái tội làm hại riêng cho một họ Hồ mà thôi, còn cái tội làm mất nước Nam, thì ai gánh vác cho Quý Ly ?

Nguyễn Trung Thành

Theo Đời sống
back to top