Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm?

(khoahocdoisong.vn) - Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế toàn cầu đều mong đợi vào vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công. Chính phủ, các bộ ngành đang nỗ lực tối đa đẩy nhanh tiến độ đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước đạt 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 34,7% GDP. Cả nước thực hiện hơn 21 nghìn công trình lớn (trên 10 tỷ đồng), chiếm 73,2% tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Trong đó, có hơn 12.800 công trình lớn, chiếm hơn 52,3% vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, phần lớn là từ vốn đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đạt 59,7%. Đây là mức giải ngân còn chậm so với kỳ vọng của Chính phủ.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, đầu tư công chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án, công trình trọng điểm có quy mô lớn. Đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng gần như là rất chậm, vì trong xây dựng thường phát sinh nhiều thủ tục hành chính, quản lý sản xuất phức tạp, cần nhiều thời gian và không thể đốt cháy giai đoạn. Hơn nữa, cả nước đang tích cực phòng chống tham nhũng, mà xây dựng là một lĩnh vực “nhạy cảm”, dễ nảy sinh tiêu cực. Do đó, các chủ đầu tư, các nhà thầu đều hết sức cẩn trọng trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, một mặt đẩy nhanh giải ngân, mặt khác cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ giải ngân chậm so với kế hoạch.

Đầu tư công là yếu tố quan trọng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng tăng cao sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế phát triển, kích cầu sản xuất cũng như giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, cũng như lợi ích của doanh nghiệp.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trực tiếp tại các địa phương.

Trong 3 tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể so với kế hoạch đề ra thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa.

Theo Đời sống
back to top