Vì sao chống ngập ở TPHCM chưa hiệu quả?

Mùa mưa năm 2022 đã đến. Dù mưa chỉ kéo dài chừng 30 phút, nhiều vùng của TPHCM đã trở thành “biển nước”. Năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước. Nguyên nhân do đâu?

Phóng viên Khoa học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về thực trạng chống ngập do mưa và triều của TPHCM.

pgs.-quynh.jpg
PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh.

Cống lớn ngăn triều xây gần 10 năm vẫn chưa hoàn thành

Thưa ông, tại sao nhiều biện pháp chống ngập do mưa và triều của TPHCM đã được thực hiện mà thực tế năm sau nước lại ngập cao hơn năm trước?

TPHCM nằm ở hạ lưu hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, giáp biển Đông, nằm trên vùng cửa các con sông lớn: sông Lòng Tàu, cửa Soài Rạp là các cửa thoát nước của cả hệ thống sông Đồng Nai.

pgs-quynh.jpg
PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam

Do vậy, một mặt TPHCM chịu áp lực của nước nguồn từ trên đổ xuống trong mùa mưa lũ, mặt khác là áp lực của biển từ dưới lên quanh năm như triều cao, xâm nhập mặn, gió bão và hiện tại là nước biển dâng do khí hậu Trái Đất ấm dần lên.

Phần lớn phía Nam thành phố là vùng đất thấp - khu vực chịu áp lực thống trị của biển với chiều dài tiếp xúc với biển khoảng 75 - 80km.

Thành phố có gần 60% diện tích là vùng đất thấp. Nếu xem các diện tích đất đai thấp hơn cao trình + 2,0m đều có thể chịu ảnh hưởng thủy triều, có đến trên 70% diện tích đất đai TPHCM nằm trong tầm ảnh hưởng dao động triều.

z3387523930927_fd0f10d53ffabcbeb5038ba09430719c.jpg
Mùa mưa năm 2022 đã đến. Dù mưa chỉ kéo dài chừng 30 phút, nhiều vùng của TPHCM đã trở thành “biển nước”. Năm sau nước luôn ngập cao hơn năm trước.

Địa hình thấp trũng và việc phát triển đô thị mới trên các vùng có cao độ thấp ở các Quận 2, Quận 9, Quận 7, Bình Chánh, Bình Tân đã làm cho tình trạng úng ngập sâu hơn và thời gian ngập lâu hơn.

Ngoài lý do về địa hình, còn nguyên nhân gì nữa không, thưa ông?

Trong 27 năm (từ 1980 - 2007) liên tục đỉnh triều duy trì ở mức dưới báo động III (+1,5m) tại trạm Phú An. Tuy nhiên, sau đó, đỉnh triều ở mức cao trên báo động cấp III và chạm mức + 1,6m (vượt báo động III 0,18m). Số ngày triều có mức nước từ 1,5m trở lên ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Điều đáng nói, tổ hợp mưa - triều, trong thời gian từ năm 2007 trở về trước, rất ít xuất hiện tổ hợp bất lợi mưa lớn xuất hiện cùng triều lên cao.

Nhưng gần đây, tổ hợp bất lợi mưa kết hợp triều cường xuất hiện nhiều hơn và mưa diễn ra trên diện rộng so với giai đoạn trước. Đơn cử, từ năm 2008 - 2010 chỉ xuất hiện 3 lần tổ hợp bất lợi, nhưng từ năm 2011 - 2014 xuất hiện 17 lần, tăng 466,67%.

Theo tính toán, ngập úng tại TPHCM đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; gây thiệt hại về xã hội - môi trường.

Đây là vấn đề đã trở thành nỗi bức xúc của mọi nhà, mọi người dân sống trong thành phố, làm xấu đi hình ảnh của thành phố trong mắt người dân cả nước và bạn bè quốc tế, trở thành vật cản lớn trong con đường hiện đại hóa, văn minh hóa đô thị.

Còn về thực trạng hệ thống chống ngập do mưa và triều của TPHCM hiện nay có vấn đề gì?

Các hệ thống chống ngập của TPHCM bao gồm hệ thống tiêu thoát nước mưa (kênh rạch, cống tiêu thoát, bơm tiêu); hệ thống chống ngập do triều (đê bao, bờ bao, cống ngăn triều).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số tuyến cống tiêu thoát không đủ khẩu độ do lượng nước cần tiêu nhiều hơn. Càng đô thị hóa, hệ số tiêu càng lớn, diện tích tiêu tăng lên; chưa kể đến hệ thống cống tiêu thoát nước bị xuống cấp…

Đối với hệ thống kênh rạch, một số bị bồi lắng, lấn chiếm làm giảm khả năng tải nước. Bơm tiêu còn thiếu rất nhiều dẫn đến úng ngập mỗi khi mưa xuống.

Hệ thống đê bao dù được đầu tư cơ bản, đáng kể trong nhiều năm, tuy nhiên, do lún nền, do mực nước sông dâng cao, do lâu ngày xuống cấp nên một số không đảm bảo chống triều cường và nguy cơ vỡ đê còn cao.

ngap-o-quan-12.jpg
TPHCM sẽ ngày càng ngập, do lún, do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, mưa lớn với cường suất cao, tập trung.

Các cống ngăn triều với quy mô nhỏ đã được xây dựng trong những năm qua, tuy nhiên các cống lớn (dự án giải quyết ngập giai đoạn 1) đã xây dựng trong gần 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành, làm cho vùng lõi TPHCM với khoảng 55.000ha chưa được chống ngập do triều một cách triệt để.

Dự án bờ tả TPHCM vẫn chưa thi công xong (đê, cống, bơm tiêu) làm cho vùng Thảo Điền, đường Trần Quốc Hương... vẫn chưa được chống ngập do triều, mưa lớn…

Phát triển đô thị phải trên nguyên tắc cân bằng tự nhiên

Dưới góc nhìn của chuyên gia, theo ông để chống ngập cho TPHCM cần có giải pháp gì?

Cần đẩy nhanh việc thi công hoàn thành các dự án đã triển khai. Các dự án phát triển đô thị chỉ được thực hiện trên nguyên tắc cân bằng tự nhiên: “Khối lượng san lấp bao nhiêu phải đào hồ trữ nước bấy nhiêu”.

TPHCM tiếp tục nghiên cứu, rà soát các giải pháp chống ngập cho những khu vực ngoài vùng hưởng lợi của dự án giải quyết ngập GĐ1.

Trong vùng hưởng lợi tiếp tục rà soát hệ thống cống thoát nước, tăng cường các hồ trữ nước mưa vừa tăng cường khả năng trữ nước mưa, vừa đảm bảo hệ thống đường cống tiêu không quá dài.

z3387523922450_0e4fcd79195fccb33a36830601823470.jpg

Cần tích hợp giữa quy hoạch tiêu thoát nước với quy hoạch chống ngập, quy hoạch giao thông, hạ tầng đô thị... với nhau, trong đó lấy việc khoanh lưu vực tiêu thoát nước cho từng cụm kênh, rạch… làm đơn vị phân mảng.

Cần tích hợp giữa các dự án chống ngập thành các dự án đa mục tiêu, như: kết hợp với môi trường, cảnh quan, giao thông trong đó tận dụng mặt nước sông, kênh, rạch làm giao thông thủy (nếu được), diện tích đất 2 bên kênh rạch trồng cây, đường đi bộ, công viên…; các hồ trữ nước chống ngập...

Tập trung nghiên cứu giải quyết bài toán giữa chống ngập (khi có hệ thống cống kiểm soát triều) với cải thiện môi trường nước đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo, vận hành hệ thống công trình chống ngập một cách linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo yêu cầu chống ngập do triều cường. 

z3387523921245_59486c17b849ba0f76a09c829e9fd023.jpg

Qua đó vừa tạo không gian trữ nước trước khi mưa xuống, vừa chủ động tạo dòng chảy một chiều để khắc phục vùng giáp nước, tiêu thoát nước bẩn cải thiện môi trường nước, đặc biệt quan trọng với khu vực Nam Sài Gòn.

Thậm chí chủ động vận hành nâng cao mực nước nhằm tạo không gian mặt nước để phát triển du lịch đường sông và giao thông thủy.

Đối với mỗi người dân TPHCM cần làm gì để góp phần giảm ngập?

Người dân cần phải xây nhà tuân thủ quy hoạch, tránh bê tông hóa quá nhiều. Nếu có điều kiện khi xây nhà người dân nên kết hợp vườn trồng cây, hoặc xây dựng hồ tích nước mưa ngầm, trên sân thượng… Không xả rác ra kênh, ra đường, hố ga thoát nước…

Trong trường hợp chi phí cho công tác chống ngập quá lớn, ngân sách Nhà nước không đáp ứng nổi, người dân có thể chung tay cùng các cấp chính quyền bổ sung nguồn kinh phí này bằng thuế chống ngập, trong đó lấy diện tích bê tông hóa để tính chi phí.

Có thể hình dung thế nào về tình hình ngập trong tương lai của TPHCM?

Sẽ ngày càng ngập, do lún, do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu, mưa lớn với cường suất cao, tập trung.

Vì vậy, chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn trong công tác chống ngập úng, vừa đảm bảo chống ngập trong giai đoạn trước mắt, vừa hỗ trợ (không bị lỗi thời, vô dụng) trong tương lai, để người dân được sống an toàn, giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của TPHCM.

Xin cảm ơn ông!

Dự án ngăn triều tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng khởi công năm 2016, nhằm kiểm soát ngập do triều cho diện tích 750km2 với khoảng 6,5 triệu dân ở bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Công trình hoàn thành giúp TPHCM chủ động điều tiết mực nước ở kênh rạch, giúp khả năng thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Hiện dự án đạt 95% khối lượng nhưng tạm ngưng thi công từ cuối năm ngoái do vướng mắc liên quan phụ lục hợp đồng BT.

Ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết 40 để gỡ vướng và chấp thuận cho TPHCM tiếp tục triển khai dự án ngăn triều.

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top