Vì sao Châu Thị Thu Nga nằng nặc xin triển khai Dự án B5 Cầu Diễn (?)

Sau nhiều ngày nghị án, hôm nay (16-10), Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Hà Nội sẽ phán quyết về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn với tổng số tiền gần 380 tỷ đồng.

Trong 8 ngày xét xử vụ án này, bị cáo Nga thừa nhận hành vi huy động vốn của khách hàng vào Dự án án B5 Cầu Diễn với tổng số tiền gần 380 tỷ đồng như cáo trạng quy kết. Nhưng Nga không cho rằng, hành vi mình thực hiện đã cấu thành tội lừa đảo.

Hãy nghe cách lý giải của bị cáo Nga về việc huy động vốn trái pháp luật của khách hàng: Dự án B5 Cầu Diễn có thật. Housing Group là chủ đầu tư thật. Mô hình dự án trưng bày ở sảnh Toà nhà Housing Group là có thật. Các giấy tờ liên quan đến dự án mà nhân viên Housing Group cho khách hàng xem cũng có thật. Thậm chí Nga còn chỉ đạo nhân viên của mình khoan hàng chục cọc nhồi xuống khu đất dự án để chứng minh với khách hàng rằng “Housing Group đang triển khai thi công dự án thật chứ không phải là dự án trên giấy”.

Từ lý giải theo cách hiểu của riêng mình, Nga không thừa nhận việc huy động vốn khi dự án chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép là trái pháp luật.

Sự thật duy nhất là việc Châu Thị Thu Nga với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Housing Group và ông Nguyễn Văn Tuẫn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và Đầu tư Xây dựng Phát triển Hà Nội (HAIC) ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 Cầu Diễn, thuộc thị trấn Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm.

Trong đó Housing góp 60%, phần còn lại HAIC góp bằng tiền mặt và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Còn lại những thứ Nga cho cấp dưới quảng cáo, giới thiệu về dự án, về mô hình, về lộ trình triển khai xây dựng, về những khoản lợi lớn sau khi dự án hoàn thành… đều chẳng có căn cứ pháp lý nào chứng minh ngoài tài thuyết trình của Nga và nhân viên dười quyền. Và đương nhiên, đó là những điều không đúng sự thật bởi thực tế thì dự án này chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép xây dựng.

Là người trong cuộc, Nga hiểu rõ hơn ai hết điều này nhưng Nga vẫn bất chấp tất cả khi chỉ đạo cấp dưới ký đủ loại hợp đồng với khách hàng, thu số tiền đặc biệt lớn (gần 380 tỷ đồng) để chiếm đoạt toàn bộ và sử dụng vào những mục đích khác nhau.

Với cách hiểu của mình, nên suốt trong quá trình thẩm vấn, tranh luận đến nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo Nga nằng nặc đề nghị Hội đồng xét xử để cho Dự án B5 Cầu Diễn tiếp tục triển khai để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Lý do bị cáo Nga đưa ra cũng vẫn ở điệp khúc: “Dự án này có thật, Housing Group chỉ thực hiện sớm trước khi được cấp phép mà thôi”.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên xử.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên xử.

Theo lý giải của bị cáo Nga, việc Dự án B5 Cầu Diễn chưa có phép cũng là do các sở, ngành hữu quan và một số cá nhân liên quan của thành phố Hà Nội làm chậm nên mới thế. Nga luôn nhấn mạnh đến việc “bảo đảm quyền lợi khách hàng” như để chứng minh, cá nhân Nga và Housing Group không có ý định lừa khách hàng trong việc huy động vốn hoặc ký hợp đồng bán căn hộ của dự án này. Qua đó mong muốn Công ty Housing tiếp tục được làm chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn để sớm có nhà bàn giao cho khách hàng.

Về phần các bị hại, thay vì đề nghị buộc bị cáo Nga bồi thường số tiền đã chiếm đoạt như một điều tất yếu thì phần lớn trong số họ cũng đề nghị Toà để cho dự án tiếp tục triển khai để họ được nhận những căn hộ như đăng ký. Bà Vũ Thị Phương Lan (ở Hà Nội), một trong những bị hại cho rằng, giao dịch giữa bà và Housing Group là hợp pháp để hướng tới mục đích sở hữu căn hộ tại dự án.

Theo ý kiến của bà Lan, các khách hàng ký hợp đồng với Housing Group là ký với pháp nhân Housing Group chứ không ký riêng với bị cáo Nga hoặc một bị cáo nào khác.

Do đó, niềm mong mỏi của bà và cũng như nhiều khách hàng khác là được sở hữu căn hộ ở đúng vị trí đã bỏ tiền ra mua. Tiếp xúc với một số bị hại ở bên lề phiên xử, chúng tôi mới hiểu rằng, lý do khiến họ đồng loạt đề nghị để dự án tiếp tục triển khai thay vì đòi tiền bởi họ biết rõ, cá nhân bị cáo Nga không thể có đủ số tiền lớn như thế để bồi thường cho họ. Vậy nên điệp khúc “bảo vệ quyền lợi khách hàng” của bị cáo Nga như chất xúc tác tác động trực tiếp đến tâm lý và ý chí của các bị hại nhằm lôi kéo bị hại về phía mình.

Trước toà, ông Lê Sáu – Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật Housing Group cũng xin nhận trách nhiệm của doanh nghiệp về những khoản tiền mà bị cáo Nga đã chi tiêu liên quan đến Housing Group. Về những khúc mắc với hàng trăm khách hàng là bị hại trong vụ án này, ông Lê Sáu Housing Group cũng xin nhận trách nhiệm giải quyết với quan điểm, chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn đã mời thêm đối tác và chuẩn bị đủ mọi điều kiện để triển khai dự án nếu được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.

Phân tích dưới góc độ pháp lý về việc Châu Thị Thu Nga dùng điệp khúc “bảo đảm quyền lợi khách hàng” để bị hại sớm được nhận nhà, chuyên gia pháp lý cho rằng, bị cáo Nga làm như vậy nhằm đánh tráo khái niệm từ một vụ án hình sự sang quan hệ dân sự. Bởi nếu cơ quan thẩm quyền chấp thuận mong muốn nhận nhà của các bị hại thì đồng nghĩa với việc không có xảy ra vụ án này. Và nếu vậy thì đương nhiên số tiền gần 380 tỷ đồng mà cá nhân bị cáo Nga, dưới danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Housing Group chiếm hưởng toàn bộ và sử dụng vào các mục đích khác nhau không còn là lừa đảo. Pháp luật hình sự rất rõ ràng chứ không “hình sự hoá quan hệ dân sự”.

Trong vụ án này, hành vi cố tình đưa ra thông tin sai sự thật về Dự án B5 Cầu Diễn để thu gần 380 tỷ đồng của Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm đã hoàn thành. Hành vi ấy đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 BLHS. Còn việc thời gian tới, cơ quan thẩm quyền có cấp phép cho Dự án B5 Cầu Diễn hay không thì đó là một quan hệ pháp luật khác, không liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Châu Thị Thu Nga và đồng phạm trong vụ án này.

Theo Nguyễn Hưng

Công an nhân dân

Theo Đời sống
back to top