Vì sao bệnh nhân COVID-19 lại bị tổn thương hệ tim mạch?

Khi mắc Covid-19, cơ thể sinh ra kháng thể. Các kháng thể này chống lại virus và tạo ra quá trình viêm. Quá trình này có thể phá hủy các mô lành ở tim. Về lâu dài, sau mắc COVID-19 có thể gây ra suy tim và bệnh cơ tim giãn.

Mặc dù bệnh nhân SARS-CoV-2 chủ yếu có biểu hiện lâm sàng ban đầu là viêm phổi, nếu tiến triển sang giai đoạn muộn sẽ tổn thương đa cơ quan. Tuy nhiên, tổn thương hệ tim mạch liên quan tới SARS-CoV-2 là chủ đề lớn đang được nhiều người quan tâm.

TS.BS Phạm Như Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, nước ta đã có hơn 800.000 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó hơn 700.000 người đã khỏi bệnh. Rất nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh COVID-19, trong giai đoạn hồi phục có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, mệt mỏi khi leo cầu thang, hồi hộp, nhịp tim nhanh, choáng váng. Những triệu chứng này có thể là các dấu hiệu của triệu chứng tim mạch.

Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công làm ảnh hưởng lên nội mạc mạch máu, gây ra phá hủy các mạch máu và hình thành cục máu đông. Do đó, khi mắc COVID-19 bệnh nhân có thể có tắc mạch nhiều nơi và đặc biệt nặng nề khi có tắc mạch vành.

Sau khi mắc COVID-19, các rối loạn nhịp khá thường gặp với các triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực. Đặc biệt là nhịp tim nhanh kéo dài do nhiều lý do, ví dụ mệt mỏi kéo dài sau, do nằm trên giường lâu, ít hoạt động sau khi mắc COVID-19 …

Còn theo BS Phạm Quang Trình, Bệnh viện  T.Ư Quân đội 108, diễn biến của COVID-19 bao gồm nhiều giai đoạn đan xen. Giai đoạn nhiễm trùng sớm liên quan đến phổi và viêm. Giai đoạn đầu tiên bao gồm sự di chuyển và sao chép của virus vào mô phổi. Tổn thương mô phổi phát triển ở bước tiếp theo và hiện tượng giãn mạch, tăng tính thấm nội mô, hoạt hóa bạch cầu xảy ra trong giai đoạn thứ hai. Cơ chế bệnh sinh này dẫn đến tổn thương phổi, giảm oxy máu và tăng tổn thương lên hệ tim mạch.

10% bệnh nhân ở giai đoạn thứ hai chuyển sang giai đoạn siêu viêm đặc trưng bởi sự phát triển của hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển (ARDS), tổn thương tim cấp tính, suy đa cơ quan, nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, nhiễm trùng huyết và tăng nhu cầu chăm sóc đặc biệt.

Cơ chế chính xác của tổn thương hệ tim mạch vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tổn thương cơ tim cấp là yếu tố tiên lượng xấu ở bệnh nhân SARS-CoV-2. Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có các vấn đề tim mạch tiềm ẩn có tiên lượng xấu hơn. Bệnh nhân có biến chứng tim mạch làm gia tăng nhu cầu thở máy và các loạn nhịp tim phức tạp liên quan đến mô cơ tim bị căng hoặc tác dụng phụ loạn nhịp của các thuốc kháng virus và chống viêm.

Khoảng 50% trong số những người có SARS-CoV-2 nặng phát triển rối loạn đông máu. Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi được quan sát thấy ở 40% bệnh nhân, do đó những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch được xếp vào nhóm bệnh có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm SARS-CoV-2.

Do đó, bệnh nhân tim mạch cần tuân thủ theo các hướng dẫn phòng dịch của Bộ Y tế, thực hiện đúng 5K và tiêm phòng văcxin đầy đủ. Để tăng cường hệ miễn dịch, nên ăn uống đầy đủ, tránh rượu bia, đảm bảo giấc ngủ, tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng và tránh mọi căng thẳng không đáng có .

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top