Vì sao 5 đô thị vệ tinh Hà Nội chưa thể giảm áp lực giãn dân nội đô?

(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù UBND Thành phố đã phê duyệt 4/5 đồ án quy hoạch chung, nhưng do thiếu nguồn lực phát triển, nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn.

5 đô thị vệ tinh kết nối trung tâm

Theo Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 Hà Nội có 05 đô thị vệ tinh với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha, gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng...

Các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố khoảng 25-30km. Đây là khoảng cách tối ưu vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, vừa đáp ứng các hoạt động hỗ trợ đối với đô thị trung tâm trên cơ sở các phương tiện giao thông tốc độ cao (đường sắt đô thị, xe buýt tốc độ cao).

Trong đó, quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là Đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc; tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam gắn với hồ Đồng Mô - Ngải Sơn và vùng du lịch Ba Vì - Viên Nam, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ như: Trung tâm y tế, các cơ sở giáo dục đại học, các dự án về đô thị mới như Tiến Xuân - Phú Mãn, Đông Xuân. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông tốc độ cao trên đại lộ Thăng Long và trục Hồ Tây - Ba Vì. Khu vực Hòa Lạc có khả năng dung nạp dân số khoảng 0,6 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.800 - 5.000 ha.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; trọng tâm là khu bảo tồn Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và phát triển mới trung tâm phục vụ du lịch gắn với hồ Xuân Khanh, các dịch vụ đào tạo, y tế và các đô thị mới. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc Hà Nội, được gắn kết với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng trên quốc lộ 32 và đường Tây Thăng Long. Đến năm 2030 có dân số khoảng 0,18 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.000 ha, đất dân dụng khoảng 1.700 ha.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; Phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng …. Là đô thị cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và Nam quốc lộ 6. Đến năm 2030 dân số khoảng 0,22 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.500 ha, đất dân dụng khoảng 2.000 ha.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân và các tiện ích đô thị khác như y tế chất lượng cao, đào tạo nghề … Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn để phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực. Là đô thị cửa ngõ phía Nam Hà Nội kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến hành lang kinh tế Bắc Nam - quốc lộ 1A: Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 0,12 - 0,13 triệu người, đất xây dựng đô thị 2.500 - 3.000 ha, đất dân dụng khoảng 900 ha.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch; trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Khai thác tiềm năng Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh và vùng cảnh quan núi Sóc và chân núi Tam Đảo. Là đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long - Nội Bài và Nhật Tân - Nội Bài. Đến năm 2030, dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500 ha, đất dân dụng khoảng 1.900 ha.

Tuy nhiên, đến nay dù đã trải qua gần 10 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch chung (2011), hệ thống giao thông hướng tâm và vành đai cũng đã hình thành, nhưng hầu hết phân khu đô thị vẫn chưa thấy nhiều thay đổi, chưa góp phần giảm áp lực cho việc giãn dân nội đô.

Sau gần 10 năm quy hoạch chung 05 khu đô thị vệ tinh chưa thể giúp giảm tải dân cư nội đô.

Sau gần 10 năm quy hoạch chung 05 khu đô thị vệ tinh chưa thể giúp giảm tải dân cư nội đô.

Thiếu nguồn lực

Mới đây, cử tri Hà Nội đã yêu cầu UBND Thành phố đánh giá lại hiệu quả các khu đô thị vệ tinh để đảm bảo việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô.

Theo UBND Thành phố, có nhiều nguyên nhân trong đó có khách quan, chủ quan, và đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển như: quy hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng hạ tầng khung đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; khả năng tạo công ăn việc làm; di chuyển các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế... tạo sức hút dân cư, nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế.

UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cùng các nhà tài trợ triển khai lập các quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở triển khai kêu gọi đầu tư các dự án. Ngoài ra, Hà Nội cũng kỳ vọng vào Đề án giãn dân phố cổ để giảm áp lực dân cư nội đô. Đề án này được phê duyệt từ năm 1998, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người, dự kiến đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.

Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện giai đoạn 1 của Đề án gồm các dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) và đầu đi (di rời các hộ dân ra khỏi phố cổ). Trong đó, dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên đang được điều chỉnh quy hoạch dự kiến sẽ xây dựng 16 tòa nhà cao 10 tầng.

Nhưng đến thời điểm hiện tại công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, do các hộ dân ra khỏi khu phố cổ bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau, nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.

Theo Đời sống
Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Vì sao công ty Đại Cát bị cấm đấu thầu?

Mới đây, UBND huyện Vĩnh Linh đã ký văn bản cấm Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Đại Cát (Công ty Đại Cát) bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 4 năm vì cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không trung thực.
back to top