Vi chất rẻ tiền nhưng lại thiếu trầm trọng

Nghiên cứu về lượng natri tại một huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, lượng muối trung bình trong khẩu phần ăn là 10,8 ± 3,3g/ngày. Có đến 67% lượng natri đến từ nguồn mì chính và gia vị như bột canh, nước mắm.

Thực phẩm chế biến khác đóng góp 11,6% lượng natri chủ yếu từ mì ăn liền. Chỉ có 6% trực tiếp từ muối ăn. Vì vậy, kể cả khi muối ăn được trộn Iôt sẽ vẫn không đủ để phòng chống thiếu hụt Iôt.

Người dân sử dụng muối Iôt quá thấp

Với quy định không bắt buộc đưa Iôt vào muối ăn đã khiến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng Iôt ở Việt Nam có xu hướng gia tăng. Từ năm 1993 Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu  Iôt, kết quả cho thấy, 94% dân số nằm trong vùng thiếu Iôt, tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-12 tuổi là 22,4%, trung niệu là 3,2 mcg/dl.

Nghiên cứu ở BV Nội tiết trung ương chỉ rõ, các thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền trong nước đều có hàm lượng Iôt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể nên Iôt hóa muối ăn là giải pháp chiến lược toàn cầu cũng như giải pháp của Việt Nam.

GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng QG cho biết, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, chỉ có 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối Iôt, 75% còn lại sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh…vì vậy tích hợp Iôt vào muối ăn nên là yêu cầu bắt buộc để người ăn trực tiếp, muối sử dụng trong chế biến các loại thực phẩm, kể cả muối dùng cho chăn nuôi gia súc cũng phải trộn  Iôt.

Năm 2013- 2014 BV Nội tiết TƯ đã tiến hành điều tra tỷ lệ trẻ em bướu cổ từ 8-10 tuổi toàn quốc, kết quả cho thấy tỷ lệ này là 9,8%, mức trung vị Iôt niệu là 8,4mcg/dl do việc sụt giảm độ bao phủ muối Iôt trên toàn quốc.

Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu Iôt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi nhỏ hơn 5% và mức trung vị Iôt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl. Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu Iôt tồi tệ nhất trên thế giới.

Không sợ thừa Iôt kể cả khi liên tục sử dụng muối Iôt

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, mức thu nhập Iôt lý tưởng nhất đối với con người là nồng độ Iôt niệu đạt 100- 199µg/l tương ứng với lượng  Iôt ăn vào hàng ngày là 150- 299µg. Mức Iôt niệu từ 300µg/l tương ứng với lượng Iôt ăn vào hàng ngày là từ 450µg được coi là thừa Iôt.

Như vậy, theo GS.TS Lê Danh Tuyên, đối chiếu với các tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế có thể thấy chúng ta không sợ nguy cơ thừa Iôt vì mức bổ sung tại nhà máy hiện nay là 20ppm-40ppm. Ngay từ năm 2005, khi chúng ta thanh toán tình trạng thiếu Iôt và được coi là độ bao phủ muối Iôt lên đến 93% dân số thì Iôt niệu chúng ta đạt 122µg/l trong mức lý tưởng và còn khoảng cách rất xa so với mức thừa Iôt là Iôt niệu trên 300 µg/l. Hiện nay chúng ta đang trong tình trạng thiếu Iôt với mức Iôt niệu trung bình là  84µg/l.

Ths.BS Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, Iôt rất quan trọng cho sức khỏe, là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng, giúp phát triển não bộ và tăng trưởng thể chất, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.

Thiếu Iôt ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, trí tuệ, giảm năng suất lao động. Phụ nữ mang thai bị thiếu Iôt dễ bị sẩy thai, sinh non, thai chết. Trẻ nhỏ bị thiếu Iôt sẽ tăng nguy cơ chậm phát triển về trí tuệ, hạn chế sự phát triển về chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng.

Cũng giống như các vi chất, Iôt cần cung cấp hàng ngày. Các nước phát triển đều tích hợp Iôt vào muối ăn vì tăng cường vi chất này vào thực phẩm sẽ có giá thành thấp nhất, chỉ 0,06 USD người/năm. Ngay như ở Mỹ, người ta cũng tích hợp hoàn toàn Iôt vào muối ăn và người dân đạt mức đủ Iôt, phòng tránh được nhiều bệnh tật.

Khánh Thủy

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top