Vệ sinh cho người già đúng cách

Với người già, việc vệ sinh thường gặp khó khăn, trở ngại. Theo các chuyên gia việc vệ sinh cho người già cần phải thực hiện đúng cách.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/ve-sinh-cho-nguoi-gia-11.jpg

Vệ sinh cho người già cần thực hiện đúng cách. 

Né” vì sợ té, ngã

Đối với người già, khi cơ thể họ dần trở nên chậm chạp hơn trong việc di chuyển cũng đồng nghĩa với việc vệ sinh hằng ngày sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hầu hết người già đều thấy ngại và lo sợ khi bước chân vào nhà vệ sinh.

Tình trạng trơn của mặt sàn, việc thiếu những chỗ có thể vịn tay, hay những chiếc móc treo khăn mặt, quần áo ở quá cao, khả năng cảm nhận nhiệt độ của nước (nóng hay lạnh) kém đều khiến người già hoảng sợ. Người già lo sợ sự trơn trượt, lo sợ bị vấp ngã.

Từ nỗi lo sợ này, nhiều người già tìm cách “trốn tránh” việc vệ sinh cá nhân; thậm chí không ít người già phải nhờ đến sự hỗ trợ của người thân và con cái dù chưa đến mức gặp khó khăn trong di chuyển.

Hãy khuyến khích người già tự làm

ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, nỗi lo sợ này của người già là hoàn toàn có thể hiểu được, nó xuất phát từ cảm giác thiếu an toàn. Đây chính là lý do mà nhiều người già, dù chưa yếu lắm, chưa gặp các vấn đề về di chuyển vẫn phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của con cái.

Nhiều người con khi thấy bố mẹ lo lắng thì lập tức trợ giúp bố mẹ trong việc vệ sinh thân thể, ví dụ như sử dụng bô để người già vệ sinh ngay tại phòng khách, hỗ trợ người già tắm rửa trong nhà tắm… Việc này tuy thể hiện sự hiếu nghĩa, quan tâm của con cái, nhưng thực tế, lại là việc rất sai lầm. Vệ sinh cho người già là một vấn đề nhạy cảm và liên quan tới lòng tự trọng.

Khi người lớn tuổi càng tự chủ về vệ sinh, thì họ sẽ càng tự tin và hạnh phúc hơn. Vì thế, khi thấy bố mẹ thật sự già yếu, mất khả năng vận động, con cái mới nên hỗ trợ cha mẹ. Còn khi cha mẹ vẫn có khả năng đi lại, con cái cần khuyến khích cha mẹ tự chăm sóc vệ sinh, đây cũng là cách giúp người già tập luyện, duy trì khả năng tự vận động và sự tự tin.

Người già thường phản ứng chậm với khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng lạnh của nước. Vì thế, hãy điều chỉnh nhiệt độ nước sẵn sàng cho người già và nói cho họ biết nước như vậy là đã vừa để tắm gội, tránh nguy cơ người già có thể bị bỏng vì nước quá nóng hoặc lại bị tắm lạnh do khả năng đánh giá nhiệt độ nước kém.

Chuyên gia Catherine Anne Rauch

Vệ sinh cho người già cần trang bị thiết bị hỗ trợ

Để giải tỏa tâm lý lo lắng của người già, theo ThS Trần Mạnh Hoàng, thay vì trực tiếp hỗ trợ, con cái có thể thu hẹp cảm giác mất an toàn của người già bằng cách giảm thiểu rủi ro đổ vỡ hay bị ngã khi người già tự vệ sinh cá nhân.

Đồng quan điểm, bà Catherine Anne Rauch, chuyên gia tư vấn cao cấp của trang thông tin chăm sóc người già Caring.com khuyên nên lắp đặt và sử dụng các thiết bị trợ giúp trong phòng tắm, nhà vệ sinh, như thanh vịn, ghế ngồi… Một thanh vịn cho phép người cao tuổi ổn định từng bước đi của mình khi họ bước vào và ra khỏi bồn tắm.

Độ cao đặt thanh vịn hay vị trí của thanh vịn rất quan trọng trong việc di chuyển của người già ở phòng tắm. Thanh vịn nên được đặt ở độ cao vừa tầm, giúp người già có thể đặt tay dễ dàng, và lưu ý nhất là nó không nên quá xa hay quá gần.

Ngoài ra, nên trang bị ghế ngồi để người già có thể ngồi tắm dưới vòi sen mà không cần phải đứng trong khi tắm hay sử dụng một băng ghế gắn vào cạnh bồn tắm để cha mẹ của bạn có thể bám vào khi cần cũng là gợi ý hay.

Một điểm lưu ý nữa là các móc treo khăn mặt, quần áo phải thấp, vừa tầm với của người già, tránh thiết kế chúng quá cao, khiến người già khó khăn hoặc phải với mới lấy được.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top