Về đây đồng đội ơi, biên giới trong tim ta!

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều người hẳn sẽ run người khi những ngày mùa xuân của 40 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bỗng bắt gặp đâu đó giai điệu của những bài hát

... như 'Về đây đồng đội ơi', 'Những đôi mắt mang hình viên đạn'...

"Biên giới giặc đến gieo đau thương/ Cầm súng gìn giữ đất quê hương/ Có anh có em dựng xây cuộc đời…" 

Đoạn điệp khúc với giai điệu rộn rã đầy lạc quan tin tưởng trong bài hát Biên giới trong tim ta của nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh là một bài hát đặc biệt trong số nhiều ca khúc mà các nhạc sĩ đã sáng tác từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bi tráng 40 năm trước.

Đặc biệt bởi lẽ nó nằm trong số ít những ca khúc viết về cuộc chiến vệ quốc này có giai điệu và ca từ mang âm hưởng hân hoan, phơi phới, đầy tin tưởng.

Mặc cho "đạn nổ bom rơi, làm cho nhức nhối tim người", mặc cho "biên giới giặc đến gieo đau thương", thì ở đó luôn có anh có em "cầm súng gìn giữ đất quê hương", "có anh có em dựng xây cuộc đời"…

Biên giới rừng núi xa xôi

Mà sao vẫn thấy thật gần

Núi chuyển đất rung, ngày đêm vẫy gọi

Biên giới đạn nổ bom rơi

Làm cho nhức nhối tim người

Tiếng mẹ tiếng cha giục ta đi tới

Biên giới miền đất thân yêu ơi

Ở đó dòng máu đắp thêm tươi

Chiến công tháng năm còn ghi mãi mãi

Biên giới giặc đến gieo đau thương

Cầm súng gìn giữ đất quê hương

Có anh có em dựng xây cuộc đời

Về đây đồng đội ơi lại như một tiếng gọi tha thiết từ trái tim đang cố dằn lại tiếng khóc của một người đàn ông từng trải, một người lính già với những đồng đội mà anh đã tự tay ôm xác đưa về đất mẹ một mùa xuân biên giới năm nào.

Đây là sáng tác mà nhạc sĩ Trương Quý Hải viết riêng cho đồng đội của mình - những người lính không trở về sau trận chiến.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải thăm đồng đội xưa - Ảnh: Tư liệu

Nhạc sĩ Trương Quý Hải thăm đồng đội xưa - Ảnh: Tư liệu

Về đây đồng đội ơi là niềm day dứt khôn nguôi của tác giả, cũng chính là một người lính, về những người bạn chiến đấu đã ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang). 

Bài hát nhắc đến những địa danh quen thuộc trong trận chiến ở Hà Giang, như cao điểm 468, 1509, 772, 685, đồi Cô Ích, Bốn Hầm... 

Đặc biệt, câu hát "Hãy về đồng đội ơi!" được lặp lại nhiều lần trong bài như tiếng lòng day dứt khôn nguôi của những người còn sống với những người lính chiến mãi đôi mươi, khiến ai dù chưa từng trải chinh chiến cũng khó cầm được nước mắt.

Nhạc sĩ kể lại, là người trực tiếp tẩm liệm cho cả trăm liệt sĩ trong những ngày tháng khốc liệt đó, cho đến tận 30 năm sau, hình ảnh những người lính còn trẻ măng với những nụ cười hồn nhiên, hằng ngày vẫn vui đùa với trẻ nhỏ, bỗng chốc ngã xuống vì bom đạn địch, vẫn không thể nào phai trong tâm trí anh.

Bài hát xúc động được nhạc sĩ Trương Quý Hải viết chỉ trong một ngày, sau khi anh em đồng đội của sư đoàn có ước nguyện lập cây hương ở cao điểm 468 trong dịp kỉ niệm 30 năm sau chiến dịch MB84 để "lấy chỗ đi về" cho những liệt sĩ đã hi sinh mà vẫn đang nằm lại chiến trường, chưa tập kết được về nghĩa trang liệt sĩ.

Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn.

Hà Giang đã ngưng chiến trận.

Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn.

Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân.

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu ...

Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào ...

Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình

Quân dân nồng ấm nghĩa tình

Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi,

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà.

Biên cương hình bóng quê nhà.

Nhìn kia, đồng đội tôi 1509 (một năm không chín) máu thắm quân kì;

772 (bảy bảy hai), 685 (sáu tám năm) anh em đang về.

Và kia 1100 (một nghìn một trăm), 233 (hai ba ba) Cô Ích, bốn hầm,

Bờ suối, dốc núi, anh em về dần.

Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu ...

Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào ...

Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình

Quân dân nồng ấm nghĩa tình.

Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi,

Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười.

Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa.

Biên cương hình bóng quê nhà.

Còn Những đôi mắt mang hình viên đạn lại cũng là một ca khúc rất đặc biệt của Trần Tiến, ở chỗ, nó bạo liệt hơn về ca từ và mạnh mẽ hơn về nhạc điệu so với các ca khúc cũng viết về chiến tranh khác của Trần Tiến.

Không phải là một Trần Tiến "gã du ca lãng mạn" quen thuộc mà là một Trần Tiến người lính đang sôi sục căm hờn và bùng cháy ý chí chiến đấu.

Trần Tiến sáng tác Những đôi mắt mang hình viên đạn vào đúng mùa xuân 1979, sau khi anh vừa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, khoa Thanh nhạc và Sáng tác.

Bài hát với giai điệu và ca từ nhanh, mạnh cho thấy sự dồn dập và khốc liệt của cuộc chiến. Hình ảnh đôi mắt cháy bỏng, xoáy sâu, thôi thúc cứ xuất hiện xuyên suốt ca khúc, dõi theo mỗi bước chân của người lính, mà như một lời hiệu triệu, thôi thúc với chính cả những người nghe.

Đoàn quân vội đi,

đi về biên giới,

cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ.

Đoàn quân lặng im,

nhìn đàn em bé,

từng đôi mắt đen xoe tròn,

từng đôi mắt mang hình viên đạn,

từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn,

từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân

Người chiến sĩ hãy giữ lấy!

Đoàn quân vội đi,

đi về biên giới,

cũng từ biên giới về, bao người mẹ già.

Đoàn quân lặng im,

ngược dòng người đi,

một đôi mắt bao lần tiễn biệt

một đôi mắt bao lần ước hẹn,

một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa.

Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân…

Theo tuoitre
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top